Quê hương tôi Khe Sanh

Tấm bản đồ vùng Khe Sanh, quốc Lộ 9, con đường đất chạy từ đông sang tây đi ngang căn cứ Khe Sanh, đến Lao Bảo, và sang nước Lào.
.
Khe Sanh một vùng quê mà ngày xưa là 1 vùng đạn pháo, nơi mà người nằm xuống nhiều hơn người sống. Có lẽ ai đã từng tham chiến trong cuộc chiến tranh năm 1968, thì khi nhắc đến Khe Sanh đường 9 Nam lào, Làng Vây, sân bay Tà Cơn … Thì phải thốt lên rằng nó quá tàn khóc. Khe Sanh người ta coi nó như là một chiến trường Điện Biên Phủ thứ 2 hay là chốn "địa ngục trần gian" theo cách nghĩ của lính Thuỷ quân Lục chiến Mỹ qua trận Mậu Thân 1968 lịch sử.. Biết bao nhiêu người nằm xuống trên mãnh đất này.
Khe Sanh là một thung lũng với đường kính khoảng 10km, bốn bề bao bọc là rừng núi trùng điệp, giữa lòng thung lũng có một dòng khe chảy qua tên gọi là Khe Sanh, Khe Sanh là một vùng đất đỏ bazan phì nhiêu như ở cao nguyên Pleiku, Komtum, có những đồi chè, rẫy cà phê xanh tươi bạt ngàn. Trước 1975 Khe Sanh được coi là vùng đất tử, bom đạn và người nằm xuống rất nhiều. Sau 1975 bà con ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong Quảng Trị đi kinh tế mới ở đây ... bà con đã biến những đồi lau sậy thành những nương rẫy, biến thung lũng sình lầy thành những miếng ruộng bậc thang. Khe Sanh ngày ngày biến đổi, những ngôi nhà xây khang trang thay dần cho những nhà tranh vách đất, đường nhựa thay dần cho những con đường đất đỏ trơn trượt khi mưa xuống, con cháu được cắp sách đến trường rồi tung bay ra xã hội, bôn ba ở khắp bốn miền.
Tôi là đứa con được sinh ra trên mảnh đất Khe Sanh này, Khe Sanh đã ôm tôi vào lòng, giúp tôi vượt qua tất cả bệnh tật hay bom đạn. Tôi sinh ra trong cái thời không còn đạn khói chiến tranh nữa, nhưng cái hậu quả chiến tranh để lại vẫn đeo đẳng những con người nơi đây. Thời bình mà vẫn còn người ngã xuống vì bom đạn. Những người dân nghèo khó phải đi làm nghề cưa bom đạn. Có lẽ vì cái miếng cơm manh áo mà người ta chấp nhận mọi rủi ro. Biết bao nhiêu người vợ mất chồng, người con mất cha. Tôi nhớ năm đó tôi còn học tiểu học, những người anh, người bạn của tôi trong giờ ra chơi tập trung bên một cái hố, và chăm chú xem người ta đào bới một cái gì đó. Bỗng dưng có một tiếng nổ vang trời, một tiếng nổ làm người dân quê tôi hoảng loạn, những tiếng nổ này vang lên là người dân lại lo âu, không biết có người thân của mình đứng gần đó không?
Tôi vừa nghe tiếng nổ, liền chạy về hướng đó. Một cảnh tang thương diễn ra trước mắt tôi. Những người anh, người bạn tôi nằm trên cỏ, người thì không còn tay, người thì mất chân ... Máu chảy thấm sâu vào cỏ cây. Tuy còn nhỏ nhưng những điều tôi trông thấy như khắc sâu vào lòng. Những người anh, những đứa bạn của tôi tuổi mới chớm nở, chưa kịp đơm hoa kết trái cho đời đã chìm vào cỏ cây. Hồi đó tôi còn rất nhỏ, tôi chạy theo bà con ôm những đứa trẻ đi về bệnh xá ... những đứa trẻ nằm trên sàn thật đáng thương. Trong những  đứa trẻ đứng xem đó, có một anh may mắn còn sống sót, nhưng hôm đó bom đạn đã cướp đi một con mắt của anh.
Hàng năm cứ đến ngày đó quê tôi hơn 10 nhà lại làm đám giỗ. Chiến tranh tuy nó đi vào quá khứ, Nhưng hàng năm, hàng ngày, hàng giờ vẫn có những người không may mắn ra đi.

Hình minh hoạ (chưa rõ nguồn)

Có lẽ, Không đâu như Quảng Trị quê tôi, phải chịu nhiều hậu quả của chiến tranh để lại, cộng thêm thiên tai khắc nghiệt, quanh năm mưa gió bão táp, lũ lụt.
.
Quê hương tôi một miền đất đỏ,
nằm trong lòng rừng núi bao la.
Tuy dân nghèo nhưng tấm lòng chân thật
sẻ chia nhau từng nỗi nhọc nhằn.
.
Giờ đây phải rời xa Khe Sanh đi phương trời xa lập nghiệp, không lúc nào lòng tôi không nhớ về quê hương, nhớ về mảnh đất nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, một miền quê nuôi tôi khôn lớn. Ngày xưa quê tôi rất nghèo khổ, và nhà cửa còn hoang tàn. Tôi đi học kiến trúc với một ý nghĩ sau này ra trường thì về xây dựng quê hương, làm cho quê mình thật giàu đẹp, một thị trấn vươn lên trên máu đỏ. Điều đó tôi đã không thực hiện được, tôi phải đi tìm một miền đất mới để lập nghiệp. Tôi chưa làm gì để xây dựng cho quê hương, chỉ biết hướng lòng mình về đó mà thôi.
Mỗi lần về quê ăn tết tôi lại thấy Khe Sanh thay đổi nhiều. Khe Sanh biến đổi thật nhanh, những căn nhà khang trang, những con đường nhựa. Một thị trấn thật đẹp, sức sống vươn lên thật mạnh mẽ.

Sài Gòn 13-08-2009
Đinh Thanh Hải
.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến