Vĩnh biệt chú Lê Tây

Tiến sĩ Lê Tây con cháu làng An Lợi, Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị - Ảnh: ông Đinh Bá Lộc

NGƯỜI BẠN VONG NIÊN

Mỗi chiều thứ 7 điện thoại tôi lại vang lên và bên kia là một người" bạn già " : Đi làm về chưa? Nếu về rồi thì ghé Nguyễn Sơn hay quán 77 nhậu.

Người " bạn vong niên " hiện đang bước về cái tuổi xế chiều. Ngày xưa chú là một người học giỏi có tiếng ở làng quê, chú thi vô học ở trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Sau đó, chú vào học trường đại học sư phạm Huế. Khi tốt nghiệp chú đựơc giữ lại trường làm giảng viên. Có thể nói tuổi trẻ của chú rất đẹp, đường công danh rộng thênh thang. Chú cưới một cô vợ Huế, công việc ổn định. Có lẽ nếu như chú chỉ đi dạy ở trường sư phạm Huế, đồng thời làm một người chồng, người cha ... thì giờ đây chú không ra cơ sự này. Về già rồi mà không có lấy một mái nhà để ở, để sống. Tết cũng không biết đi đâu về đâu ? Về quê thì người mẹ già cùng anh trai đã mất, mấy cháu thì mỗi đứa một phương. Chỉ còn mỗi bà chị dâu ở chăm lo phần mộ tổ tiên. Chẳng còn một chốn để về quê, về cái nơi chôn rau cắt rốn khi ra đời. Thèm được về bên mẹ, với sự chở che:

Đò ơi bên kia sông là mẹ,
Đưa ta về nơi được chở che.
Đời rất đắng quê hương là mật,
Lòng tôi vui với nắng sau hè.

Cái ngày chú khăn gói lên đường đi du học ở Nga, lúc đó trước mắt chú là một tương lai tươi sáng. Chú là niềm tự hào của những người thân. Lần đầu tiên có người đi học trời Tây. Chú ra đi với bao nhiêu niềm khát vọng, khát vọng một ngày mai tươi sáng hơn. Bước chân lên máy bay mà lòng miên man nghĩ đến ngày trở về. Nhưng chú có biết đâu cái ngày chú lên máy bay, là ngày mà tương lai trả giá quá đắt. Nó làm cho cuộc sống của chú hôm nay ra nông nỗi này.

Sang nước Nga, chú vừa đi học vừa đi làm. Việc gì chú cũng cố làm thật tốt. Từ buôn hàng, mở quán ăn … Với sức làm và sự tiện tặn của chú cũng giúp bao nhiêu người thân ở Việt Nam có cuộc sống khá hơn. Chú xây cho vợ cùng con một ngôi biệt thự thật đẹp nằm trên dốc Nam giao - Huế. Ngôi biệt thự mà ai đi ngang qua cũng đứng lại nhìn, một ngôi biệt thự thật đẹp. Ngôi nhà mà bao nhiêu điều chú gửi gắm vào đó. Một căn nhà mà khi tu học nước ngoài trở về chú sẽ sống hạnh phúc bên vợ con. Cùng nhau tận hưởng những thành quả sau bao nhiêunăm dài vất vả. Mỗi lần về thăm nhà chú thấy vợ cùng con hạnh phúc, thì bao nhiêu cực nhọc và cô đơn nơi xứ người tan biến đi. Lúc đó chú chỉ mong sao mình về Việt Nam thật sớm. Được hạnh phúc bên vợ cùng con.

Giờ đây mỗi khi ngồi bên, tôi cảm thấy miệng chú cười nhưng trong ánh mắt vẫn chứa đựng một nỗi buồn sâu thẳm. Mặc dù không còn vợ chồng, nhưng chú vẫn làm những bài thơ tặng riêng cho vợ. Tôi hỏi: Chú vẫn còn yêu O nớ à? Chú nói: “ Không còn yêu nhưng mà chung sống bao nhiêu năm, giờ không còn gì nhưng mà mình vẫn còn cái tình ". Chú dạy tôi nên chọn vợ thế nào? sống ra sao? Mỗi khi nói về tương lai của mình chú thường nói vui: " Bữa nay, nhà nước mình có chính sách đãi ngộ con thương binh. Khi chết có một chiếc quan tài, nên không có chi lo." Có lúc chú lại nói : Chắc ít bữa về hưu chú lên chùa tu, rồi bao nhiêu tiền lương hưu gửi cả cho chùa, rồi sau này chùa lo hậu sự. " . Nhưng trong tâm niệm của chú là luôn mong muốn được chôn cất ở làng An Lợi, nơi mà chú được cất tiếng khóc chào đời, một nơi mà chú luôn tìm về trong vần thơ. Chú nói với bạn: Lộc ơi, nếu tau chết trước thì mi đưa tau về làng nghe ...

Sài Gòn August 24, 2010
Kts. Đinh Thanh Hải


................
VIẾT VỀ CHÚ LÊ TÂY, NGƯỜI MÀ TÔI TRÂN QUÝ

Chú là một người mê đọc sách.

Tôi quen chú bao lâu rồi nhỉ ? Chắc cũng trong ngoài chục năm rồi đó. Ngày tôi gặp chú cũng là ngày chú đang tập cuộc sống mới tại Sài Gòn, tập làm quen với cuộc sống mới. Sau 15 năm tu nghiệp ở Nga, giờ chú lại làm lại từ đầu. Tôi quen chú qua gia đình của một người bà con, tôi rất quý chú. Ngồi nghe chú nói chuyện về đời sống, về con người, về những năm tháng cơ cực ở Nga, trong đó có những thằng bạn của chú nay làm to ở Việt Nam. Ừ, có phải ai đi tu nghiệp về cũng giàu có hay chức to chức bự đâu? Con người nó có cái số hết cả rồi, số phận đã an bài cho mỗi con người - một mảnh đời.

Khi trở về Việt Nam, gia tài của chú chỉ là tấm bằng tiến sĩ và một kho sách, nếu mà đem sách bán theo giá bìa thì chắc chú cũng mua được một căn nhà. Nhưng người trí thức nào lại đi bán sách ? Có nghèo khó cũng cam chịu mà thôi. Thời gian đầu chú làm việc tại nhà sách Phương Nam nằm trên đường 3-2, giám đốc ở đó là bạn thân của chú, họ mời chú cố vấn và biên tập, với mức lương cũng tạm sống qua ngày tháng. Bạn bè chú thấy chú khổ muốn giúp, nhưng chú đều từ chối. Sau nhiều lần trường đại học khoa học xã hội nhân văn mời, chú đã đồng ý đi làm giảng viên, một cái nghề mà chú rất yêu quý. Chú tâm sự: Cái giọng chú Quảng Trị nên đôi khi nói có đứa hắn chưa hiểu, sau này chú tập nói chậm hơn.

Một sinh viên viết: " Nghe thầy Lê Tây đọc thơ: "Tiếng chuông reo báo hết giờ giải lao,Tất cả vào phòng tiếp tục học Văn học.Giọng thầy không cùng quê tôi cho nên có vẻ khó nghe đối với tôi. Nhưng mà tôi lại thích nghe thầy giảng bài, kể những chuyện của thầy và những nhân vật nổi tiếng như Thạch Lam, Văn cao...mà tôi chưa bao giờ được nghe hay biết,Nhưng cái mà tôi thích nhất là nhưng bài thơ của thầy, thật đơn giản nhưng thấm dộng một cái gì đó của một nhà thơ lớn, Có lẽ không phải bây giờ mà sau này khi nào đấy thì mình cũng sẽ thấy một bài thơ mang tên Lê Tây. Những bài thơ của Thầy như: con mèo của tôi, con chó vàng,,,thật bình dị mang phong cách của thế hệ ở những năm 80.Tôi cảm thấy may mắn khi được học thầy và tiếp xúc với thầy. "

Tôi cũng rất vui khi được chú thương mến, thường hay gọi tôi đi lai rai đôi chai bia và hàn huyên tâm sự, kể chuyện về đời chú tôi mới thấy đời tôi quá đẹp, quá nhẹ nhàng, ít đau khổ. Biết chú buồn chú khổ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy chú than vãn một điều gì, âm thầm sống và âm thầm chịu đựng. Mỗi lần ngồi chơi là chú lại lôi một tờ giấy ra trong đó là một bài thơ mới làm xong. Có những bài nghe qua thì buồn cười, nhưng nghĩ lại nó xót, nó đau, chú ví von cảnh ăn nhậu ở Sài Gòn bia ken chảy đầy trên sàn, trong khi quê nhà mẹ còn gánh lo toan. Tiền boa cho em là hàng ngàn mồ hôi nước mắt người nông dân.

Ừ thì cuộc đời nó vậy âu chấp nhận, nhưng chú nào có được bình an với cuộc sống làm giáo viên, bệnh tật lại ập đến, ngón tay bị nhiễm trùng phải tháo khớp. Sau đó một thời gian thì trong một lần chú lên Chùa thăm, đang đi thì chân bị gãy (chú bị bệnh tiểu đường) lại nằm viện cả tháng, vừa lành cái chân thì chú lại bị nhập viện vì đau bụng, nhập viện thì mới biết có khối U lớn dài gần 5cm, vậy là phải mổ và làm xạ trị 6 tháng, cái ruột phải lôi ra ngoài và dùng hậu môn nhân tạo.

Về thăm chú mà thương, căn bệnh quái ác làm chú vật lộn với những cơn đau thể xác, rồi thuốc điều trị bạc cả người. Chú nói: Cháu bớt ăn nhậu đi nhé, lo mà tiết kiệm tiền bạc, chứ không lúc bệnh nằm xuống chẳng biết xoay đâu.


Giới thiệu đôi nét về chú:
Nhà thơ, TS Ngữ văn Lê Tây, sinh năm 1951 người quê hương An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
+ Cán bộ giảng dạy ĐHSP Huế.
+ Năm 1992 bảo vệ luận án Tiến sĩ về Văn học Ấn Độ tại Viện Hàn lâm KHXH Liên bang Nga.
+ Năm 1999 Nguyên Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga khóa II.
+ Năm 2001 Quay về Việt Nam ban đầu làm ở nhà sách Phương Nam, sau đó giảng dạy tại ĐHKHXH&NV thành phố Hồ Chí Minh.
+ Ngày xưa ông là một người học giỏi có tiếng ở làng quê. Ông vào học trường đại học sư phạm Huế, rồi ông đựơc giữ lại trường làm giảng viên. Một thời gian sau thì ông đi qua Nga tu nghiệp ... Sau những năm tháng tu nghiệp ở Nga thời gian gần 15 năm ... tiến sĩ Lê Tây đã quay về Việt Nam và làm giảng viên ở các trường đại học. Hiện nay tiến sĩ Lê Tây đang là giảng viên trường Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, TP. Hồ Chí Minh.
Ông xuất thân từ một ngôi làng giàu truyền thống hiếu học, con cháu làng An Lợi rất nhiều người đổ đạt ở các trường đại học, rất nhiều vị có học hàm học vị cao thạc sĩ tiến sĩ ...
+ Tác phẩm của ông được đăng trên Người Bạn Đường và các tạp chí trong nước. Có mặt trong các Tuyển thơ “ Quê hương” – NXB Văn học, Hà Nội 2000, “Tuyết ấm” – Hội VHNTVN tại LB Nga, Matxcơva 2003, “Nối Hai đầu thế kỷ” – NXB Hội Nhà văn, Hà Nội 2014

....
TIẾNG GỌI ĐÒ - thơ Lê Tây
Nhớ bến đò Lập Thạch - Trung Yên - Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị

Lâu lắm chưa về thăm làng cũ
Xa bến sông vọng tiếng "Đò ơi"
Nơi đất lạ nhiều đâm mất ngủ
Tiếng "Đò ơi !" theo suốt cuộc đời
Đò ơi, bên kia sông là Mẹ
Cho tôi về nơi được chở che
Đời rất đắng quê hương là mật
Lòng tôi vui với nắng sau hè
Tôi nhìn tôi qua nước xanh trong
Và bất chợ bao niềm hy vọng
Theo nhau về rộn rã trong lòng ...
Bao chuyến đò đưa tôi sang bến
Cô gái làng rửa mặt làm duyên
Bao nhiêu nước xuôi về với biển
Còn nhớ tôi với chút ưu phiền?!
Tiếng gọi đò chiều đông tắt lịm
Giữa bời bời gió nổi mưa rơi
Lòng bồn chồn ngóng sang bến vắng
Đò không qua chẳng gặp Mẹ rồi !
Tiếng "Đò ơi !" mất theo tiếng máy
Như tôi bây giờ mất tuổi thơ
Dù trải qua một thời gian khổ
Chẳng dại gì quên nhịp đò đưa !
Bao tiếng gọi cuộc đời giục giã
Đưa tôi đi quên mất đường về
Tôi thầm nhớ dòng sông bến nước
Tiếng gọi đò nhức nhối làng quê !

Tiếng gọi đò đăng trên báo trường Xã Hội Nhân Văn

Xin đa tạ những tấm lòng đã chia sẽ cùng chú: Lê Diệp Hạnh Thảo - Diễn viên Lê Tuấn Anh - Chị Loan ( SF Fitting Room) - chị Phạm Thị Hồng Trinh - Nguyễn Hiền - anh Trung Tu Bữu - anh Văn - Nhà văn Nguyễn Đặng Mừng ...


Sài Gòn - December 10, 2012 at 8:55am
Kts. Đinh Thanh Hải

..............

VĨNH BIỆT CHÚ LÊ TÂY

Sáng 30 tết nó chở ông Tân sang nhà ông ngoại, đang đi thì ông hỏi: Nghe Lê Tây chết rồi phải không cháu ? Nó ngạc nhiên và không tin điều đó, nó nói: Cháu có nghe chi mô ông nờ, nếu có thì ở Sài Gòn bà con báo cho con rồi ...

Đến tối thì ông chú nhắn: Cậu Tây mất rồi Hải ơi, đang ở ngoài làng An Lợi, mồng 3 này là đưa chú ra nghĩa địa rồi ...

Chú đã từ trần vào lúc 18 giờ 30 chiều ngày 30 Tết (18-2-2015) tại quê nhà An Lợi, huyện Triệu Phong, tỉhh Quảng Trị); an táng tại quê nhà ngày mùng ba Tết (tức 21-2-2015)

Ngày cuối năm, ngay thời khắc gần đến giao thừa, lại nghe một tin buồn như vậy. Chú đã ra đi về với nơi cõi vĩnh hằng, cái nơi mà chú đã ra đi, nay chắc hẳn chú lại về được bên mạ cùng ba và những người thân. Thương chú lắm chú à, chú tuy không bà con ruột thịt gì với cháu, nhưng cháu quý lắm. Mất chú như mất một người ruột thịt trong gia đình. Nhớ ngày nào đó chú cháu còn ngồi bên nhau, nói chuyện vui và được chú đọc thơ cho nghe ... hay ngồi nhâm nhi lon bia và mấy hạt đậu phọng luộc.

Lúc chú bị bệnh, nhưng chú vẫn luôn điện thoại hỏi thăm cháu: Tình hình cháu bữa ni ra răng, có quay lại được không cháu ơi ... Đừng như chú mà cực lắm cháu à ... Nếu được hãy cố mà hàn gắn lại.

Ước nguyện lúc còn sống của chú nay cũng được toại nguyện, chú lại được về nằm trong đất của làng quê, nằm bên cạnh ba mẹ cùng người thân, được nghe hơi gió thổi từ dòng sông Thạch Hãn, mát dịu ru người chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Lũy tre làng cũng đung đưa theo nhịp gió thổi, như bản nhạc trữ tình về làng quê Triệu Độ.

Chú ra đi mà tập thơ vẫn chưa thể ra đời, bao nhiêu người chờ đợi tập thơ của chú ... Ngày còn sống chú hay nói vui, mai ni tau chết thì có Ông Lộc với thằng Hải làm bằng chứng sống ... Cháu chỉ cười, chú ơi chết sống ai mà đoán trước được, biết mô cháu ra đi trước chú thì răng.

Định rằng thôi không viết, để chú yên nghỉ. Nhưng cháu xin viết đôi dòng để tiển biệt chú, đăng lại những bài viết cũ, nhưng cháu đã chỉnh sửa lại, để không làm buồn người còn sống và chú.

Cho cháu xin thắp nén hương lòng tiễn biệt chú, người mà cháu rất quý mến thương yêu !

Sài Gòn 28-02-2015
Kts. Đinh Thanh Hải

............

NHỮNG BÀI THƠ CHÚ LÊ TÂY VIẾT TAY VÀ NHỜ ĐINH THANH HẢI ĐĂNG TẢI LÊN MẠNG




Nhận xét

Bài đăng phổ biến