Miền Núi Cao Của Nó - hồi ký của Đinh Thanh Hải

Thị trấn Khe Sanh - Hướng Hóa - Quảng Trị
.
MIỀN NÚI CAO CỦA NÓ
Hồi ký của Đinh Thanh Hải
.
Nơi đó là một miền núi cao thuộc tỉnh Quảng Trị, vùng biên giới Lào và Việt Nam. Nó thường hay nghe ông bà kể lại: Sau năm 1975 mọi người dân của ngôi làng An Giạ trở về quê hương đoàn tụ với gia đình. Quê thì quá nhỏ nghề nghiệp chủ yếu của bà con là trồng lúa nước, đất chật người đông lại không có nghề nghiệp gì khác sinh sống. Thế là một cuộc chia tay trong thời bình, những gia đình trở về quê chưa được bao lâu thì phải đi kinh tế mới, lên một vùng núi cao với nhiều thú rừng hung dữ và những cơn sốt rét thập tử nhất sinh. Ngày đó, Khe Sanh là một nơi hoang vắng, hươu nai còn ở cạnh bên con người, chúng nó chưa biết sợ con người là gì? Bà con xã Triệu Độ lên kinh tế mới tại Khe Sanh phần lớn là những người thuộc chế độ cũ, người lính Việt Nam Cộng Hòa cùng vợ với con cháu, số ít còn lại là những người được đưa lên làm cán bộ, làm quản lý xã đội.
Đi kinh tế mới ở Khe Sanh sau 1975 là những làng thuộc xã Triệu Độ, chủ yếu là các làng: An Giạ, Gia Độ, Trung Yên, An Lợi, Thanh Liêm... Bà con những ngày đầu ở Khe Sanh rất cực khổ, họ lên rừng khai hoang làm nương rẫy hay xuống những thung lũng phát quang, cuốc xới tạo thành những miếng ruộng bậc thang, nước cho ruộng thì từ trong núi chảy ra, đất đai ở đây rất màu mỡ. Gia đình ông bà của Nó cũng vậy, ông bà nội cùng 3 người con trai đi kinh tế mới, gia đình ông bà ngoại thì có tới 7 người con. Ông bà nội với ngoại của Nó trở về quê đoàn tụ với gia đình và bà con họ hàng thật ngắn ngủi, chỉ vài tháng là đi ngay.
Khe Sanh là miền núi cao nên quanh năm sương mù bao phủ, đêm thì lạnh giá vì hơi nước từ các núi đá. Để vượt qua cái lạnh giá bà con đi lấy bao cát tạo thành những cái chăn đắp hay cái áo để mặc.
Hồi đó Khe Sanh còn hoang vu chứ không như bây giờ, nhà này cách nhà kia là cả một khu vườn rộng, ngồi trong nhà nhìn ra xa chỉ thấy những ánh đèn leo lét của những gia đình hàng xóm. Chiều chiều cứ ăn cơm xong là bà con đi ngủ sớm, vì lúc đó chưa có điện hay các phương tiện giải trí, khan hiếm sách báo.
Ban đầu bà con lên Khe Sanh đông lắm, nhưng không chịu nổi sự cực khổ, đói khát và những cơn sốt rét hành hạ. Nhiều gia đình lại bỏ trốn khỏi Khe Sanh để hướng vào miền Nam sinh sống - lập nghiệp.
Ba mạ nó cưới nhau sau một thời gian ngắn ở tại Khe Sanh, đám cưới ba mạ được kể: "Anh em thanh niên mới đem mổ thịt con heo để làm tiệc cưới và hát hò thật vui, hồi đó nghe đâu đám cưới chỉ là uống nước và ăn kẹo bánh, sau đám cưới đó gia đình nó bị phê bình là tư tưởng lệch lạc, không đúng đường lối chủ trương đề ra..." Ôi thật khó khăn làm sao với cái cơ chế quan liêu thời bao cấp?
Chuyện tình của ba mạ nó thật là vui, ba nó hồi đó đẹp trai và là một thanh niên hoạt bát, quan hệ với bạn bè rất tốt nên ai cũng quý mến, ba nó cũng là một cầu thủ bóng chuyền đánh khá hay. Ba nó làm rất nhiều nghề. Mạ của nó thì hiền lành, chăm chỉ, là con gái thứ hai của một gia đình đông bảy anh em. Thời gian đầu ông bà ngoại nó không muốn con gái mình ưa ba nó, vì ba nó đẹp trai và có nhiều người yêu. Ông ngoại nó chỉ sợ sau này con gái mình cực khổ... Nhưng mạ nó cứ khăng khăng: "Ba không gã con cho anh Hữu thì con thề ở rứa suốt đời, không bao giờ lấy ai." Mặc cho sự can ngăn của gia đình, với tình yêu ba và mạ nó đã về bên nhau, cùng chung một chiếc giường trong một căn nhà nho nhỏ.
Hồi nớ mạ nó người cao nhưng lại ốm nên bà con họ hay nói: tên con Chắt Chắt hèn chi đúng như rứa, hàng ngày vào những sáng sớm mạ nó cùng ông nội lại bới cơm đi vô rừng khai hoang đất làm ruộng, làm nương rẫy, mặc kệ thời tiết như thế nào: trời nắng hay mưa, lạnh giá hay nắng nóng ... ông nội cùng mạ nó đều lên rừng đi khai hoang. Những thung lũng dần dần được đôi bàn tay của ông nội và mạ nó khai hoang thành những miếng ruộng, rồi gieo trồng lên đó những cây lúa, cây khoai, cây sắn... Bàn tay mạ nó cứ chai sạn thành từng cục to, đôi chân thì nứt đến chảy máu do ngâm nước trời lạnh.
Dù cuộc sống rất cơ cực và khó khăn nhưng ông nội nó khi nào cũng có nụ cười trên môi, ông nội nó thật hiền và sống luôn được bà con quý mến, chưa bao giờ ông nội nó làm mất lòng một ai, từ người già đến đứa con nít. Bà con họ đặt cho ông nội nó cái tên là ông bột. Vì da ông trắng như bột vậy. Ông nội nó là người luôn quan tâm đến việc làng nước, chuyện lớn chuyện nhỏ đều có mặt. Nó chưa bao giờ thấy bà con họ Đinh làng An Giạ ở Khe Sanh mất lòng nhau. Người vai lớn nhẹ nhàng với con cháu, anh em thì nhường nhịn nhau từng tý, chia sẻ cùng nhau những lúc gặp khó khăn hay đau ốm. Tình bà con họ hàng ngày càng gắn kết yêu thương nhau.
Ba mạ nó cưới nhau khá lâu mà vẫn chưa có con, bà nội của mạ nó hay nói: Sao con Chắt chưa sinh con đi cho tau chộ ? Cố ngoại nó luôn mong mạ nó sớm sinh một đứa con. Mọi người cứ sợ là mạ nó không sinh con được. Sau khi bà nội của mạ nó qua đời thì một năm sau mạ nó sinh ra nó, một thằng con trai ra đời sau 3 năm ngày ba mạ nó thành vợ thành chồng. Nó ra đời là niềm hạnh phúc thật lớn, ông bà nội nó có cháu trai đầu tiên ... Lúc đó chắc đúng là nó khóc và mọi người cười. Không biết sau này nó chết mọi người có khóc và nó cười hay không? Sau này mỗi lần nó trở về quê thì bao giờ cũng lên thăm mộ cố nó, hồi đó mộ cố nó nằm ở trên đồi thông, nó cứ về quê là lại đem hương lên thắp cho cố, ngồi quỳ bên mộ cố tâm sự với cố, có đôi lần nó cầu mong cố giúp nó thi đậu đại học ... Nó ra đời sau khi cố ngoại nó ra đi mãi mãi. Nó nghe ông mệ ngoại kể lại: Cố đang khoẻ mạnh rồi tự dưng ngủ một giấc rồi đi mãi.
Nó đẻ ra là một chuyện và chăm nuôi nó là một sự gian khổ cho mạ nó, nó là đứa trẻ rất khó chịu, nó chỉ muốn mạ nó bế trên tay mà thôi, nhiều đêm mạ nó mệt lả người vì bế nó, có lúc mạ nó mệt mà ngủ thiếp đi ... nó đang ngủ trên tay thì không sao, nhưng khi mạ nó đặt nó xuống giường là nó lại khóc thét lên, khóc cho đến khi nào mạ nó bế lên tay thì mới chịu nín và ngủ tiếp.
Sau một thời gian thì ba mạ nó sinh phép ông bà nội cho ra ở riêng. Đôi vợ chồng trẻ cùng con trai ra ngoài đường 9 (đường 9 Nam Lào) dựng một căn nhà nho nhỏ để buôn bán và làm ăn. Mỗi lần có cơn gió nào thổi mạnh là nhà nó reo lên như một bản nhạc và nhạc cụ đó là những miếng tôn ... Thời đó hiếm ai ra ở mặt đường, vì bà con chỉ quen làm vườn và nương rẫy, nên cứ chọn nơi nào có suối là ở. Ngôi nhà của ba mạ nó nằm bơ vơ ngoài đường, một ngôi nhà nho nhỏ. Mạ nó thì lo lắng không biết ra đó thì lấy gì mà ăn ? Nhưng ba nó rất tự tin ở bản thân mình.
Những chiếc xe hay dừng lại ở nhà nó để xin trao đổi lương thực thực phẩm, đổi gạo, đổi nếp, đổi mì chính (bột ngọt) ... rồi bà con đi buôn ở quê lên Khe Sanh cũng dừng chân ở nhà nó. Nó vui lắm vì mỗi lần bà con ghé bao giờ nó cũng có quà, lúc thì kẹo bánh, lúc thì đồ chơi ... Nó nhớ nhiều lắm, nhớ từng chi tiết nhỏ ... nó thấy ba mạ nó sống rất hay, ai ai cũng quý và rất muốn ghé nhà nó thăm hay trao đổi buôn bán. Mỗi lần ai đó ghé nhà nó, nó vui cười và chạy đi lấy nước mời bà con.
Ba nó thì làm đủ nghề: buôn bán, vẽ, cắt tóc ... bây giờ nó cũng biết cắt tóc đó, hồi đó mỗi lần ba nó bận việc đi đâu đó. Ông nội, ông ngoại hay mấy cậu đi cắt tóc đều nói nó cắt tóc, có những lúc nó cắt tóc cho bà con bị hư tóc, ba nó về phải sửa lại cả tiếng ... Có nhớ chuyện thằng Luyến con ông Hữu thợ rèn sang nhờ nó cắt tóc, thằng kia nói: mi cắt cho tau thật đẹp nghe. Thế là nó đồng ý cắt tóc cho thằng Luyến, nó loay hoay một hồi thì cái đầu thằng kia bị mác rất nhiều. Một lúc sau thì mẹ nó sang bắt nó tại sao cắt tóc con bà ra như vậy, hôm đó hồn nó chắc bay lên mây xanh. Kể từ đó nó chỉ dám cắt tóc cho người thân thôi.
Hồi đó ba nó hay vẽ hình ảnh của các vị lãnh tụ để treo tường nơi uỷ ban hay huyên uỷ ... nhưng có đôi lần họ nói với ba nó: anh lấy tư cách gì mà dám vẽ những vị đó ...? Nhưng hồi đó ở Khe Sanh chỉ có ba nó là vẽ thôi và vẽ rất giống ... Nên họ dần dần cũng chấp nhận cho ba nó vẽ.
Cuộc sống Khe Sanh đã dần biến chuyển, mọi người các nơi khác dần dần kéo đến nơi đây làm ăn và sinh sống, dọc con đường 9 đã có khá nhiều những căn nhà mọc lên, chợ búa đã đông người hơn ... và thế là gia đình nó lại gặp một sự cố lớn ... thị trấn chọn đúng nơi gia đình nó đang ở để xây dựng công trình nhà nước: Cửa hàng thuộc hợp tác xã ... Bao nhiêu lần ba nó bị kêu lên họp và họp. Ba nó đi họp hay mang nó theo cùng, nó có nhớ ba nó nói: Gia đình tôi sống ở đây và làm ăn đã lâu, giờ đuổi gia đình chúng tôi vô phía trong thì làm sao chúng tôi buôn bán, con tôi đây còn nhỏ ... Cuối cùng ba mạ nó đành phải chuyển nhà vào phía trong, không được nằm mặt đường nửa ... chuyển nhà với tiền đền bù hình như là mấy trăm đồng thì phải.
Sau khi chuyển nhà vô phía trong và ngôi nhà lại nằm ngay bên đồn công an ... thế là những bạn hàng buôn bán của ba mạ nó càng ngày càng ít đi, họ sợ bị bắt khi buôn bán với gia đình nó ... cuộc sống của ba mạ nó trở nên khó khăn nhiều bề. Không phải ba nó không biết tầm nhìn hay làm ăn? Ba nó đã ra ở ngoài đường 9 khi xung quanh chưa có nhà nào ở ... nhưng chắc là số gia đình nó bắt phải chịu như vậy. Ngày xưa lúc vừa giải phóng xong ba nó là một người viết đơn tình nguyện đi lên Khe Sanh để tháo gở Bom mình của chiến tranh để lại, biết bao nhiêu người trong nhóm đó đã nằm xuống. Họ nằm xuống khi đất nước không còn chiến tranh. Sau này ba tôi được trao tặng huân huy chương gì đó ... đó là một niềm an ủi chăng? An ủi những người làm những việc cống hiến cho cuộc sống và chẳng cần ai cảm ơn.
Ba nó lại tìm một miếng đất khác gần đường để ra làm ăn, lúc này hơi khó vì nhà ở dọc đường khá đông. Cuối cùng ba nó cũng chọn được một miếng đất nho nhỏ chỉ đủ dựng lên một cái quán nhỏ để cắt tóc và vẽ.
Nơi ở mới của gia đình nó nằm cách đường cũng không xa, nơi đó chỉ ở chứ không buôn bán được gì? Nó lại có hàng xóm mới và những người bạn mới. Những đêm lạnh ba mạ nó hay đốt lửa ngồi giữa nhà, hàng xóm và thanh niên thường hay ghé nhà nó chơi. Ba nó có cái máy cassette với nhiều băng nhạc hay, hồi đó ít nhà ai có máy nghe nhạc lắm. Thanh niên tụ tập ở nhà nó và nhờ ba nó dạy nhảy. Nó lúc đó còn nhỏ nhưng rất vui. Những đứa trẻ như nó vì nghe những bài hát xưa hoài nên thuộc đôi câu, nó nhớ tụi nhóc ở xóm hay cùng nó nghêu ngao hát bài nhạc của Trịnh Công Sơn:
"Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con"
Ngày nhà nó làm nhà cũng là ngày tụi nhóc trong xóm được ba mẹ đưa đến trường nhập học. Nó thấy bạn bè đi học nó thích lắm, cứ đòi ba cho đi học. Ba nó đang bận làm nhà nhưng cũng xoa đầu an ủi con: Sang năm ba cho con đi học, năm nay con còn nhỏ nhà trường không nhận đâu? Nó nghe ba nói xong thì buồn lắm. Nhưng nó chưa chịu ở nhà năm sau đi học và thế là nó chạy một mạch đến trường ... nó thấy đám trẻ trong xóm đang xếp hàng trước cửa lớp, nó cũng chạy đến và đứng trong hàng ... cô giáo đọc tên và từng đứa, từng đứa chạy vào lớp ... chờ hòai cô giáo không đọc tên nó nhưng nó vẫn cứ vào lớp ngồi.
Nó vẫn nhớ hoài ngày đó, nó nhớ chính xác cô giáo tên là cô Sáu, cô giáo dạy nó từng nét chữ đầu tiên. Cô thấy nó ngồi ngơ ngác thì cô đến bên và hỏi: Em tên là gì?
Nó ngây thơ trả lời: dạ em tên là cu Hữu.
Cô giáo cứ tưởng nó tên là Hữu cô Sáu cười hỏi tiếp: thế họ tên đầy đủ của Hữu là gì?
Nó có biết đâu? Chỉ nghe người thân hay gọi nó là cu Hữu thôi mà. Nó cúi gằm xuống đất và chịu thua. Cô giáo nói với nó: Bây giờ em Hữu chạy về nhà mời ba mẹ đến, đăng ký xong em sẻ được học lớp cô.
Nó chạy như bay về nhà ... từ đằng xa nó vừa thở vừa la làng: Ba ơi con được cô giáo nhận học rồi, cô giáo nói ba lên đăng ký cho con, rồi cô mới cho vô học lớp cô.
Mọi người đang làm nhà giúp gia đình của nó nhìn nó cứ líu lo như vậy họ cũng phì cười và nói với nhau: Cái thằng nhóc này sao thích đi học rứa bay?
Ba nó đang bận làm nhà nên cười và nhờ bà nội đưa nó lên trường nhập học. Nếu tính theo năm sinh thì nó vẫn đủ tuổi học lớp 1, nhưng do nó sinh vào tháng cuối năm, tháng 11 Nên so với đứa cùng năm thì nó còn nhỏ lắm, ba nó định năm sau nó lớn hơn hãy cho đi học.

Bà nội đưa nó vào lớp học, nó được cô Sáu cho ngồi ngay bàn đầu. Nó nhớ có 1 thằng ngồi chung bàn rất miệng mồm, cứ thao thao nói chuyện với nó: Thằng đó tự giới thiệu là hắn tên Long... Sau này nó mới biết ba thằng Long là thầy giáo ở trường này, thầy tên Giã. Những ngày đầu đi học sao mà vui thế ... mỗi lần học được chữ cái nào là nó về khoe ngay với ba mạ. Hôm đó nó được học chữ cái M nó về khoe với cả nhà: hôm ni con học được chữ M đó ... ba mạ nó bảo nó lấy cục than ghi ra coi như thế nào? Nó chạy xuống bếp lấy một cục than và viết chữ M. Viết xong cả nhà cười và ba nó nói: Sao chữ M con viết như đoàn tàu vậy (nó viết chữ m bằng nhiều chữ m ghép lại nên dài ngoằng)
Nó là một đứa trẻ sướng từ nhỏ, chưa biết cực khổ là gì mặc dù ba mạ nó không phải là giàu có gì? Những đứa trẻ khác còn phải đi chăn Trâu, chăn bò, đi vô rừng mót củi về nhóm lửa nấu bếp ... Còn nó chỉ việc cắp sách đi học, hết học thì ở nhà đi chơi. Những ngày nghỉ học nó hay theo đám bạn chăn Trâu Bò đi vô rừng chơi. Đi chăn trâu với tụi nó thật là thích, được tụi nó đi đốt lửa và nướng củ Sắn ăn ... ăn xong tay và mặt mày nó toàn lọ nghẹ của than củi.
Trời lạnh gió rừng lại thổi vi vu, cứ mỗi lần gió đi ngang qua nó lại co ro thân mình lại. Chính vì ở xứ lạnh nên đám trẻ như nó tạo ra những trò chơi rất vui. Tụi nó đi nhặt những lon sữa rồi mài đi một phía, rồi lấy cây đinh đục từng lỗ ở phía dưới đít còn lại. rồi lấy một cái dây thật dài buộc vào. Tụi nó lấy củi nhỏ bỏ vào cái lon, rồi châm lửa ... càng xoay thì lửa càng cháy mạnh, những tiếng reo của lửa với gió nghe thật hay. Những trò chơi đó đôi lúc cũng gây ra tai hoạ, do lửa cháy mạnh lúc tụi nó xoay làm dây buộc bị đứt, thế là cả cái lon bay vèo vào ngôi nhà hàng xóm, mà hồi đó có nhiều nhà lợp mái bằng lá tranh lắm ... thế là cháy nhà, làm rộn cả một xóm nhỏ.
Lúc mặt trời dần buông phía chân trời là lúc đám nhóc chăn trâu lùa trâu về chuồng. Hồi đó Trâu Bò nhập khẩu sang lào, nên mỗi đứa nhận chăn mấy con để kiếm tiền phụ giúp thêm cho gia đình. Mỗi con Trâu hay bò được sơn số thứ tự ... Nó thấy tụi nhóc cưỡi trên lưng con trâu thật đã, nó năn nỉ tụi nhóc cho nó leo lên lưng Trâu. Tụi nhóc cười và nói: Mi cưỡi Trâu được không mi? cưỡi mà bị bổ là tụi tau không biết mô nờ ... Nó tự tin và vươn ngực ra nói lại: Không có chi mô, tau cưỡi được, tụi bây cho tau cưỡi đi ... nếu bị bổ thì tau chịu. Thế là đám nhóc cũng chiều ý nó, giúp nó leo lên trên lưng con Trâu ... cưỡi đi một lúc nó thắc mắc: Răng con Trâu ni đi chậm rứa? Tau chộ con Trâu của thằng Lượm răng mà hắn cưỡi nó chạy như bay ... Tụi nhóc cười và nói: Mi muốn như hắn rứa hỉ? Thế là tụi nó đánh mạnh vào đít Trâu một roi, con Trâu đau quá chạy té khói. Nó ngồi trên lưng Trâu bây giờ hết thích mà chuyển qua sợ, sợ đến gần té đái trong quần.
Nó kêu cứu: Ê tụi bay dừng con Trâu lại đi, cho tau xuống, tau sợ rồi ... tụi nhóc được một trận cười no say, trong khi mặt nó thì không còn một tý máu. Rứa là từ đó về sau nó không bao giờ dám cưỡi Trâu nửa mà chỉ đi bộ theo thôi.
Có những lần mấy con Trâu đi lạc thế là cả nhóm đi tìm ... trời thì lạnh mà cây tranh lại cao và bén, nó khứa vào da thịt đến chảy máu. Có những lần trâu lạc tụi nhóc tìm hoài không ra, vậy là phải cử một thằng chạy về nhà kêu phụ huynh đi tìm giúp. Vì rừng núi Khe Sanh rất rộng và cây cối còn um tùm ... cây tranh nó cao ngập cả người, cứ tuông đi giữa tranh chứ đâu có lối mòn gì? Nên việc tìm Trâu Bò lạc cực kỳ khó khăn. Sau này thì bà con tới ở đông, họ đã phát quang rừng làm nương rẫy, họ trồng những rừng cà phê bạt ngàn. Đất Khe Sanh là đất đỏ mà, nên thích hợp cho trồng cây cà phê, tiêu, trái abuka (quả bơ) ... Đất ở đây có đặc biệt rất mến người, mỗi lần trời mưa đôi dép phải mang theo cả một đống đất, nó cứ bám chặt ở dưới chân dép ... mà hồi đó phần lớn bà con mặc dép Lào ... Mưa xuống đường thật trơn và lầy lội, đi một vòng về tới nhà là phải lấy cây dao để gọt đất khỏi dép.
Nhà nó ở cách nhà ông bà nội và nhà ông bà ngoại khoảng 2km. Nó hay sinh ba mạ cho nó vô nhà ông bà chơi lắm. nó đi bộ từ nhà rồi ghé thăm nhà ông bà nội trước, rồi đi qua nhà ông bà ngoại. Nhà ông bà ngoại nó nằm ở gần đồi thông, trước mặt là một cánh đồng lúa rất đẹp. Nó cũng hay ở lại nhà ông bà ngoại lắm ... có những đêm nó nổi cơn chướng và cứ khóc mà không chịu đi ngủ, vậy là ông ngoại nói với mấy cậu cho nó ra ngoài sân và đóng cửa lại cho nó chừa. Cánh cửa đóng sầm lại thì tiếng khóc của nó cũng dần tắt lịm ... đừng một lúc nó đập cửa và nói trong tiếng nấc: Ông ngoại ơi con không khóc nửa, cho con vô nhà ... nhưng nó bị phạt đứng ngoài không ai mở cửa cho nó hết. Nó tìm mọi nơi xem có đường vào nhà không? Cuối cùng nó tìm thấy một cái lỗ nhỏ mà chó hay chui vô chui ra ... nó vội bò xuống và lòn vô được trong nhà, ông ngoại nó hỏi: Đã hết khóc chưa?
Mỗi lần ở lại nhà ông ngoại nó đều thấy cậu út học rất khuya, ngồi bên chiếc bàn chữ H với cây đèn dầu le lói ... ngồi học đến khuya mới đi ngủ, sáng sớm ra nó thức dậy cũng thấy cậu út nó ngồi học từ bao giờ rồi. Cậu nó rất muốn trở thành bác sĩ ... và sau sự cố gắng chăm chỉ học hành cậu nó cũng thi đậu đại học, năm đó cậu nó thi đậu 2 trường: đại học y khoa và đại học sư phạm. đến hôm nay cậu nó đã là một thạc sĩ bác sĩ. Cậu út là một tấm gương cho nó học tập và noi theo ... Sau khi cậu nó đậu đại học, những cuốn ôn thi đại học được cậu nó tặng lại nó, những cuốn sách sờn cũ do thời gian ... Say này nó đam mê muốn trở thành một kiến trúc sư, chỉ nghe thôi đã cảm thấy hiên ngang rồi. Bà con thì khuyên nó: Trường đó thi khó lắm, đâu dễ gì thi đậu ... Nhưng nó đã quyết tâm rồi mà khi nó quyết tâm là nó làm.
Sau những ngày thi đại học là những lo lắng trong nó, trường kiến trúc của nó sao mà báo điểm muộn quá vậy? Nó đã đi ăn tiệc mừng của bao nhiêu đứa rồi, sao giấy báo đậu hay rớt của nó hoài mà không thấy ... Nhìn những đứa đậu vui mừng làm nó càng lo lắng hơn. Ngày ngày nó xin mạ nó ít ngàn để lên bưu điện điện hỏi tin tức. Và rồi cái ngày hạnh phúc cũng đến với nó: Bên kia là phòng đào tạo, một người phụ nữ hỏi nó thông tin, số báo danh để kiểm tra giúp ... đọc xong nó đời và hồi hộp, tim cứ đập liên hồi. Bên kia lại một giọng phụ nữ cầm máy lên: Xin chúc mừng em, em đã trúng tuyển vào trường kiến trúc...
Lúc đầu nó có ý nghĩ, nếu nó trúng tuyển nó sẻ photo tờ giấy báo và rãi khắp thị trấn cho mọi người cùng biết, và để chứng tỏ nó không phải là đứa ăn chơi. Nó dập máy thật mạnh đến nổi cô trực bưu điện hỏi: Sao dập máy mạnh thế? Nó trả lời dạ tui đậu đại học kiến trúc rồi ... Ôi thật hạnh phúc khi ước mơ của mình trở thành hiện thực. Nó chạy thẳng về nhà để khoe với ba mạ. Nhưng ba mạ nó đã nhận được giấy báo trong khi nó lên bưu điện hỏi.
Nghe mạ nó kể lại: Ba mi lúc nhận được giấy báo tay cứ run lên, xé đọc xong giấy báo mà mắt ba mi đã nhoè đi vì nước mắt. Tôi còn nhìn thấy trên bàn thờ ba nén nhang đang cháy.
Nó lại chạy vô nhà ông bà để báo tin vui, nhưng có lẽ cả Khe Sanh đã biết tin rồi ... bàn thờ nhà ông cũng vậy, chắc là ông bà thắp nhang báo với tổ tiên là cháu mình đã thi đậu đại học. Mệ vuốt tóc nó với ánh mắt tự hào và hạnh phúc: Cháu mệ giỏi quá, ông với mệ đang định ra nhà cháu.
Nó lại chào ông bà nội để chạy sang nhà ông mệ ngoại báo tin. Ông mệ ngoại nó vui lắm, niềm vui đầu tiên là cậu út nó đậu đại học Y khoa Hà Nội và giờ là thằng cháu ngoại. Cậu Hùng nó lúc đó nghĩ hè nên đang ở nhà ... cậu kéo nó ra quán ngồi làm mấy chai bia chúc mừng ... ai ai ở quán đó cũng chạy tới chúc mừng nó. Ôi hạnh phúc quá, cứ như hôm đó nó là trung tâm của miền núi cao vậy.
Ngay tối đó ba mạ nó đã làm tiệc và bà con đến rất đông để chúc mừng nó cùng gia đình ... Bà con nói: 5 năm đại học thì phải uống 5 ly liên tục cho thông đường, và ly không được đặt xuống chiếu. Hôm đó nó được gia đình đặc cách cho ngồi uống rượu với người lớn. Hôm đó bà con rất vui mừng và đã đến chia sẻ cùng gia đình nó ... bà con cứ chúc nó học thật tốt để ra trường cho thoát cảnh nghèo khó.
Bà con còn nói câu vui: Không đậu đại học thì mi chết với tau, đậu đại học thì tau chết với mi rồi con ơi ...

Sài Gòn 23 / 09 / 2010
Đinh Thanh Hải
còn tiếp ...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến