Nhớ Nội cùng xứ sở Mỹ Tho thân yêu
Bà Nội đi lấy chồng về làm dâu nhà họ Triệu, cùng quê là sông Tiền yêu thương. Người con gái quê ở Cái Bè nên duyên cùng chàng trai quê Mỹ Tho. Nội mang bầu đứa con trai đầu lòng khi vừa tròn 20 tuổi, lúc sinh nở đã đẻ rớt trên chiếc xích lô, vào ngày 29 tháng 10 năm 1936. Vậy là gia đình họ Triệu đã chào đón thêm một thành viên mới vào năm Bính Tý, niềm vui hân hoan của gia đình khi có thêm một thành viên, đứa con trai kháu khỉnh, gia đình đặt tên là Triệu Công Đức.
Nhắc đến chuyện sinh nở thì có một chuyện mà khoa học chắc rằng chưa chứng minh được, bà Nội không hề có kinh nguyệt, ấy thế mà sinh được tới 9 người con.
Ông Nội thời đó làm cai ngục cho Pháp, đẹp trai và bảnh bao vô cùng, như Nguyễn Du có nói: "Phong tư tài mạo tót vời, Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa...". Chính vì như thế nên ông Nội có rất nhiều phụ nữ bao quanh, ông Nội đi biền biệt chẳng chịu về, tiền tháng cũng chẳng gửi cho bà nội nuôi con. Rồi một ngày, biết được ông Nội mèo mỡ và bỏ vợ con nheo nhúc, không gửi tiền về nuôi vợ con, ông Cố không cho ông Nội vô nhà nữa. Bà Nội nghèo khổ và gặp nhiều khó khăn. Đẻ 3 đứa con mà bà Nội nào nuôi nổi, ông Cố phải cố gắng nuôi cả nhà. Hồi đó cực nên ăn toàn cá ươn, chứ tiền đâu mà mua cá tươi. Bà Nội chịu thương chịu khó làm đủ nghề phụ giúp cha chồng.
Bà Nội không biết lấy một mặt chữ, thế đó mà mỗi lần buôn bán, nội tính nhẫm rất nhanh và đúng, nhiều bạn hàng khác không thể nào tính theo kịp. Nhưng thời buổi ấy sao nghèo quá, làm mãi mà chẳng đủ ăn, 3 đứa con tội nghiệp đói khổ thấy thương, bà Nội đành đứt ruột mang cô Ba Triệu Hồng Hạnh vào nội trú đi tu. Còn ba Đức với chú Tư thì vào trường Dòng. Thế là cả ba người con đành phải xa mẹ với gia đình, tuổi thơ ba cùng chú Tư gắn liền với bà Phước thầy Dòng từ hồi còn nhỏ xíu.
Bây giờ, về Mỹ Tho nhắc tên Bà Tư Cây Dừa chắc nhiều người còn nhớ. Trước đường nhà nội có cây dừa, bà Nội bán bánh chuối nướng nếp. Nhiều lần bà Nội dạy cháu gái học nghề, và cười vui với cháu: "Học nghề này đi con, sau này có cái mà bán để nuôi con".
Trong những đứa cháu thì Nội cực nhất với cô Ly Ly, tên thường gọi của Cúc Huyền lúc ở nhà. Khóc suốt nên ba sợ mẹ lăn ra bệnh, đem con sang gửi bà Nội chăm giúp. Cứ mè nheo khóc suốt ngày, bà nội phải luôn theo cháu để chăm nom. Nhiều hôm nội nhờ người bế, vì khóc và bế mệt nên bị nhéo bầm cả đùi non, nội hỏi tại sao thì người ta nói là muỗi chích... Nhưng mắt nội biết liền và lần sau không cho bồng bế cháu nội Ly Ly nữa.
.
Ba người con trở về Việt Nam thăm bà Nội, chuyến đi tại Vũng Tàu.
Từ trái qua: Triệu Hồng Hạnh + Bà Nội + Triệu Công Thành + Triệu Công Đức
.Những ngày trung thu về cháu gái lại nhớ nội khôn nguôi, bà Nội làm lồng đèn và đem đi bán ở chợ, gần rạp cải lương. Lúc này ông Nội không trở về nhà nữa, bà Nội hàng ngày ra chợ bán hàng... Thế rồi một hôm có chàng trai lính đóng quân gần đó, đã tán tỉnh với ngỏ lời... Bà Nội đã chịu và bước đi thêm bước nữa, rồi sinh hạ thêm 5 người con. Đời Nội lại khổ tiếp khi ông Nội Trí mãi mê đá gà, bà Nội lại quần quật làm để nuôi đàn con. Lúc này ba Đức đang làm cảnh sát ở Phú Lâm, nên thường xuyên gửi tiền về cho bà Nội nuôi đàn em nhỏ. Ba Đức mua luôn căn nhà nhỏ ở Mỹ Tho cho gia đình sinh sống. Căn nhà ấy cũng là nơi mà Cúc Huyền đã lớn lên, bên tình thương của bà Nội.
Con trai Triệu Công Thành ngày đó là sĩ quan Đà Lạt, Trung Tá Dù và sĩ quan tùy tùng cho tướng Bùi Đình Đạm. Sau này bị đưa đi học 10 năm ngoài Bắc, rồi đưa vào Xuân Lộc. Lúc đi tù thì vợ chú có chồng khác... năm 1987 chú Tư mới được trả về.
Câu chuyện cũ ba kể mà Cúc Huyền vẫn nhớ như in, ba bồng bế em hoài đuối là tìm cớ để trốn chuồn, réo hoài má ơi cho nó bú... Nhiều hôm thèm đi bơi vượt cồn mà em trái cứ khóc đòi theo:
- Anh Hai cho Tư theo với!
- Tau đi đâm chuột đó Tư, là Đâm Tí đó mày ơi.
Nói Đâm Tí nghĩa là thích đi tắm, mà không muốn cho em theo đó mà. Thân cùng nhau và dòng đời dập vùi cũng giống nhau, bị đi tù và đường duyên trắc trở.
Nội cùng 3 đứa cháu gái.
.Con cháu thường xuyên trở về Việt Nam thăm bà Nội, có đưa tiền thì bà Nội cũng chẳng biết tiêu gì, cơm vẫn chan nước ăn ngon lành, hỏi ra thì bà Nội đã quen như vậy rồi. Cúc Huyền cố gắng tập mãi cho bà Nội ký chữ X, để mỗi lần gửi tiền về bà Nội biết mà ký nhận. Xưa bà Nội 50 tuổi thì răng đã rụng hết rồi, nói mang răng giả mà nào đâu Nội có chịu.
Đêm qua, bà Nội lại trở về trong ký ức qua cái bánh chuối nướng nếp mà người chồng của Cúc Huyền đưa lên khoe, từng ký ức cứ trở về, làm nỗi nhớ bà nội mãi không nguôi. Nhớ năm đó trở về thăm Việt Nam, gặp bà nội và nghe nội ao ước: Tau chưa một lần được đi máy bay... Đứa cháu gái nói hay con đưa nội ra Hà Nội chơi... Nội chỉ cười và nói: Thôi đi xa sợ Nội bị bịnh...
Lần gặp đó cũng là lần cuối cùng mà Cúc Huyền được gặp bà Nội, 2 tháng sau bà Nội đã ra đi mãi mãi, trở về với Thiên Chúa, về với thiên đường. Bà Nội mất ngày 29-10-2001 (13 tháng 09 năm Tân Tỵ), bà Nội thọ 84 tuổi. Ngày bà Nội mất cũng là ngày ba Đức chào đời, ngày 29 tháng 10. Thế là từ đó về sau, ngày sinh nhật của ba Đức cũng là ngày đám giỗ bà Nội.
.
.
Dịp vừa rồi cháu trở về Mỹ Tho, đã cùng chồng ghé thăm nơi bà Nội yên
nghỉ, hai vợ chồng ghé thăm lại căn nhà của bà Nội xưa, nơi tuổi thơ Cúc
Huyền lớn lên ở đó. Hôm đó gọi hoài không ai mở cửa, nhà đi vắng hết
rồi, nên chỉ đứng ngoài một lúc rồi đi.Houston, Texas, 06 Oct 2017
Triệu Cúc Huyền.
.
NHỚ NỘI QUA LỜI EM KỂ
Nhớ thương nội qua lời em kể,
Bà Tư cây dừa xứ Mỹ Tho.
Bán chuối nướng nếp bên hè nhỏ.
Quần quật nắng mưa giữa chợ đời
Cơm với nước, nội chan húp vội,
Quen mất rồi chuyện khổ với vui.
Mắt nội cười như bà tiên nhỏ,
Níu tay về sống tựa bên nhau.
Cao dao cũ nội ru em ngủ:
"Mẹ đi lấy chồng, thì ở với tau"
Ai lấy đi điều gì âu cũng được,
Chớ để tay người vắng đàn thơ...
Tíu tít trẻ nhỏ đùa vang khắp xóm,
Trưa nắng hè bơi lội ở triền sông.
Nội mắng khẻ thôi đừng bơi nữa,
Cơm nội nghèo sao đủ ăn no.
Thương đời của nội quá anh ơi!
Một mình bơi lội giữa dòng đời.
Thân nữ oằn mình trong mưa gió,
Có buổi hôm nào nghỉ ngơi tay.
Chân lấm. tay bùn bên xóm nhỏ.
Quê quán thân thương nội vẫn chờ!
Theo năm tháng, đàn con xa mãi
Phía bên kia trời nội vẫn mong:
Mấy bay ơi, thương nhau đùm bọc
Xa mẹ rồi phải biết thương yêu.
Ngày trở về em ngồi bên nội
Hỏi câu rằng nội muốn điều chi?
Mắt nội mở to nhìn con trẻ
Mới hôm nào giờ đã lớn thây
Miệng cười vui nội nhắc khẻ
Nhớ nội tìm về đã là vui.
Sài Gòn 06/10/2017
Đinh Thanh Hải
Đọc thêm bài Mỹ Tho Thành Phố Yêu Thương: http://www.dinhthanhhai.com/2017/02/mytho.html
Nhận xét
Đăng nhận xét