Người Đàng Trong mến khách và hào hoa

Người Đàng Trong xem hát bội - tranh của John Barrow năm 1806
.
Ta thường nghe sự rêu rao hòa hợp dân tộc - vùng miền - tôn giáo, nhưng thực sự điều đó rất khó, vết rạn nứt cứ âm thầm diễn ra, mỗi ngày càng sâu hoắm và tách chúng ra xa nhau hơn. Như hai miền Nam kỳ và Bắc kỳ, nhiều người nhìn bên ngoài thì thấy bình thường, nhưng bên trong thực sự không hề bình thường chút nào.

Trang lịch sử đã ghi chép sự chia cắt Nam - Bắc gần nhất là 2 lần, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, từ Đàng Trong và Đàng Ngoài cũng có từ đó. Đàng Ngoài từ Sông Gianh - Quảng Bình đổ ra Bắc kỳ... Đàng Trong là phía Nam sông Gianh vào tới Nam kỳ, sự chia cắt kéo dài hơn 150 năm. Gần đây thì chia cắt Nam kỳ - Bắc kỳ là thời chiến tranh Việt Nam (1954-1975), thành lập khu phi quân sự vĩ tuyến 17 tại Quảng Trị vào năm 1954 để phân định Đàng Trong với Đàng Ngoài, cầu Hiền Lương là ranh giới chia cắt 2 miền Nam - Bắc.

Đàng Trong ào ào phát triển đi lên văn minh và giàu có, theo khối tư bản phương Tây. Đàng Ngoài phát triển kinh tế chậm hơn nhiều so với Đàng Trong, đời sống ngoài đó lam lũ, vất vả, thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, máy móc sản xuất lạc hậu... Thế nên mới có chuyện "gửi nắng cho em", chia đều "NẮNG" từ Sài Gòn ra cho miền Bắc. Nhưng hiếm khi ta thấy ngoài ấy gửi tặng món gì cho miền Nam, ví dụ như tặng chút mùa đông lạnh giá vào cho trong này bớt nắng nóng những ngày hè oi bức, cứ thấy Nam kỳ gửi tặng "mọi thứ" cho Bắc kỳ hoài mà thôi, có khi chưa kịp tặng đã "cho tôi xin" và lấy luôn rồi.

Sự phát triển kinh tế và văn hóa dần dần tách biệt 2 miền, nếp sống - suy nghĩ - hành động theo hai hướng khác xa vời, cứ đẩy nhau ngày một xa thêm, chỉ có "máu đỏ da vàng" là cùng chung, vì giống nòi từ con lai giữa "Rồng với Tiên" thì muôn đời vẫn như vậy.

Điều kiện thiên nhiên - môi trường tự nhiên cũng tạo nên nếp sống, văn hóa, phong tục tập quán... Người Đàng Trong được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi, mưa thuận gió hòa, điều kiện sống thoải mái, kiếm miếng ăn dễ dàng... Sinh ra tính tình người Nam kỳ vô cùng dễ thương, tấm lòng ôn hòa thoáng đãng, không phải tằn tiện - ki bo từng đồng bạc cắc. Người Đàng Ngoài luôn chịu đựng thiên nhiên khắc nghiệt, con người phải biết tiện tặn, tích lũy thức ăn cho những ngày đông rét mướt. mùa nắng làm và mùa đông đắp mền nghỉ khỏe... Ở Đàng Ngoài điều kiện kiếm cơm áo khó hơn, miếng mồi nhỏ mà quá trời người nhìn ngó thèm thuồng, muốn chiếm đoạt, cho nên phải giành giật cạnh tranh nhau khốc liệt, bằng mọi cách phải có cho bằng được, tốn nhiều mồ hôi và sức lực vẫn chấp nhận.

Con người Đàng Trong sống hiền hòa, rất trọng khách và hào hiệp, bạn đến chơi nhà là tiếp đón chu đáo, ân cần... ăn ở - sinh hoạt - giao tiếp giản dị và hòa đồng nhau, đối xử với nhau mộc mạc, đượm nghĩa tình trong sáng. Tay cầm ly rượu còn miệng nói với bạn hiền: "bạn hiền ơi, tình thương mến thương hén, nào anh em ta cùng cạn hết ly này". Người với người hiếm khi soi mói - bêu rếu nhau... Luôn giúp đỡ mỗi khi ai đó gặp khó khăn, hoạn nạn, cơ hàn. Tình nghĩa xóm giềng chân chất mến thương, có khi coi nhau hơn cả anh em ruột thịt... Hình ảnh những bình nước miễn phí giữa đường cho ai khát thì uống, tủ bánh mì cho người nghèo ăn khi đói lòng, cảm xúc tràn về khi thấy những tấm biển hiệu sửa xe - sửa giày dép miễn phí, giúp cho những người nghèo: bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác... việc làm và hạnh động đẹp đó không quá khó hiểu hén?

Tình yêu trai gái, vợ chồng của người Đàng Trong cũng rất nhẹ nhàng, miễn yêu là hiến dâng cho nhau, không cần toan tính anh giàu có hay địa vị... Nếu thương rồi chàng đi đâu thiếp cũng đu càng bám theo như con sam, cho nên ai đó bắt được sam là dính cả cặp, chứ hiếm khi bắt một con lẻ loi.
"Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp dzìa
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề (mà) nhún nhẳn đừng cười tôi nghe
Ví dầu tình bén duyên thề
Thì xin kết bạn đền nghì trúc mai"

Tình yêu người Đàng Trong vậy đó, thiếp sẽ theo chàng đến mọi nơi, đói no gì cũng cam, miễn có chàng là thiếp vui... Rồi mai kia chàng hết tình dứt nợ, chuyện hai người dang dở thì thôi cho thiếp ra về, chứ không căm hận và vén váy lên chửi chàng “cạn tàu ráo máng” - đào mồ mả cả dòng họ từ cao tầng cố tổ vạn họ của chàng ra.

Rồi những khi hai đứa yêu đương mà rúc bụi lủi bờ, con ếch ương nó lớn dần trong bụng... anh thương thì rước em về mần vợ, để cả một đời thương nhau, còn không thiếp vẫn sinh con và ở cùng ba má, con ra đời chỉ gọi ngoại ơi. Bà con chòm xóm chẳng ai bĩu môi chê cười "đồ gái chửa hoang", hay căng hơn kiểu Đàng Ngoài là bắt ra giữa đình làng mà bêu rếu, rồi cạo đầu - bôi vôi - thả bè trôi sông... nhìn cảnh người đàn bà bụng mang dạ chửa bị hành hạ quá xót xa, sao lại có kiểu hà khắc khốn nạn đó.

Hai đứa yêu nhau, đến nhà ai đó thăm và ở lại qua đêm, người Đàng Trong vẫn cho họ ở chung phòng, ừ hai đứa yêu đương thì tự nguyện, chọn rồi sướng hay khổ mặc kệ bây, chuyện ngủ chung phòng là đẹp chứ nào xấu xa chi, và tại sao phải tách biệt ra ngủ riêng... Còn Đàng Ngoài thì còn khuya nhé, vợ chồng mà còn cấm được ngủ chung khi đến nhà người khác, sợ "phong long" với xui xẻo cho gia chủ.
.
Nhà hàng nổi tiếng Maxim, đường Tự Do - Sài Gòn trước 1975
.
Góc đường Hai Bà Trưng và Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu) - Sài Gòn 1968

Có lần tôi nghe hai đứa trẻ chửi nhau, thằng Bắc 9 nút chửi thằng Bắc 2 nút là "đồ Bắc kỳ", trong khi cả hai thằng đều nói giọng Bắc rặc... hỏi ra mới biết Bắc 54 vào Nam quá lâu, họ đã thay đổi khá nhiều, bỏ hết mọi thứ lại ngoài quê từ: văn hóa - tập tục - lối sống. họ đốt luôn gia phả dòng họ, cái nếp sống sau lũy tre làng khắc nghiệt ấy biến mất dần, đặc biệt vùng đất Nam Bộ này đã dần thay đổi họ thành dễ thương, thành con người Nam Bộ... ta hay dùng từ khá hay là tẩy não hoàn toàn. Còn Bắc 75 mới vào và chưa kịp thay đổi, tư tưởng vẫn muốn làm ông cố nội người khác, muốn thông minh hơn người và mọi thứ phải nằm ở dưới chân mình.

Sự thay đổi để cho hòa hợp với môi trường sống, dần dà "mất gốc" là có thật. Ngay cả những người Bắc 75 vào Sài Gòn sống lâu, khi trở về xứ sở thì cũng phải chậc lưỡi là không thể sống nổi, khắc nghiệt quá, mưu mô quá, cuộc sống luôn lo sợ, luồn cúi, cơ chế xin và cho cùng lo lót... Gặp nhau miệng cười nói vui vẻ, nhưng không biết bị đâm thọc bất cứ lúc nào.

Dòng người hành trình Nam tiến có từ rất lâu rồi, chắc cũng ngoài 700 năm, theo con đường bộ hay đường biển - lênh đênh trên sóng nước bằng con thuyền đánh cá, vô tình dừng lại nơi đất lành và cắm sào dừng chân, dựng nên những làng mạc, thôn xóm, khai hoang đất làm ruộng, sông ngòi thì đánh bắt cá tôm. Đời cha qua đời con đến đời cháu chắt, nhiều thứ đã thay đổi... biến mất dần sự khắt khe, gia trưởng, chồng chúa vợ tôi, dâu chính lễ rể người dưng... thân phận đàn bà bị coi khinh - đái không qua ngọn cỏ, chỉ quanh quẩn bên bếp núc và vườn tược, thờ chồng, hầu cha mẹ... bị ngủ ở hai chái bên cạnh nhà, bữa cơm phải ngồi mâm dưới... phụ nữ Đàng Trong đã không còn bị phân biệt đối xử, những giáo điều thôi đè nặng trên đôi vai mềm yếu của chị em.

Hiếm khi ta thấy cảnh một cô gái Nam bộ xắn quần lên chửi chồng, chửi hàng xóm... mà nếu có văng ra đôi câu tục thì người nghe cũng nhẹ nhàng lỗ tai, vì lời họ không hiểm độc. Chứ không chua chát như kiểu chửi của Đàng Ngoài, xuyên tai thủng màng nhĩ là có thật. Có câu chuyện vui về một ả miền Bắc đứng chửi O người Huế toàn lời dễ sợ... chửi đã đời rồi thì O Huế nói nhè nhẹ: "O chửi tui răng thì tui chửi O in như rứa đó tê nờ".

Cái văn hóa Đàng Trong dễ thương ấy ta thường bắt gặp ở những quán nhậu, ai đó ôm guitar hát đàn vui là bàn kế bên xin nhập cuộc, họ miệng xin tham gia mà tay đã mang dĩa mồi với bia rượu sang chung vui rồi, cũng hiếm khi thấy ai từ chối hay ánh mắt trợn ngược và miệng quát chửi "mày lượn ngay cho nước nó trong"... Thế là mọi người hát hò tới sáng mới chịu dzìa, trong khi không hề quen biết, không biết sang hay hèn, giàu hay nghèo, địa vị ra sao có xứng với ta không? Vâng, Đàng Trong là vậy người với người nhậu vì tình thương mến thương, chứ không phải nhậu vì quan hệ xã hội, vì kiếm cơm, vì mua quan bán chức.

Ở Đàng Trong này vui lắm, có nhiều người nhậu với nhau cả chục năm nhưng không hề biết bạn làm nghề gì? nhà ở đâu? vợ con thế nào? Hiếm ai hỏi chuyện đời tư, nếu bạn có kể thì nghe chơi, sau đó quên ngay, không ai quỡn mà bận tâm.

Viết bài hay nói chuyện ta nghe quen những từ Nam kỳ - Trung kỳ - Bắc kỳ... Mấy từ đó hình như có từ thời vua Minh Mạng, phân khu ra để quản lý. Ngày nay người ta có thêm cách gọi là miền Nam, miền Trung, miền Bắc. Nếu ai đó gặp nhau và mở miệng: "xin chào mày đứa Nam kỳ" hay "xin chào mi nhé đứa Trung kỳ"... thì họ vẫn vui vẻ, nhưng khi ta nói "xin chào mày nhé đứa Bắc kỳ" là mệt, không hiểu sao nghe Bắc kỳ là người ta la làng lên nào là phân biệt với kỳ thị vùng miền. Nghĩ cũng ngộ ha, vì có câu: "ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng kẻ điên", nên sao họ phải phùng mang trợn mắt lên cự nự, ta sống tốt đẹp thì người ta có phân biệt trời cũng mặc kệ.

Đàng Trong - Đàng Ngoài quá khó gần nhau, hòa hợp nhau... khi mà suy nghĩ với cách sống đã lạc nhau quá lâu rồi. Đàng Trong muốn sống một đời mến thương, Đàng Ngoài thì muốn xâm chiếm - áp đặt từ giáo dục, văn hóa, tư tưởng, lối sống. Những điều đơm đặt cho Đàng Trong ác độc, man rợ... cho giống Đàng Ngoài ấy, để kiếm sự giống nhau chăng?

Rất nhiều người ở Đàng Trong đã lên tiếng, vì không chịu được những điều mà phim ảnh, văn chương "gán ghép", những điều không có thực giữa đời sống từ xưa đến nay của người Nam kỳ, mặc dù nghệ thuật đôi khi hư cấu, thêm thắt cho tình tiết gây đau khổ, tàn ác... để tô bóng lên những thân phận hiền lành, tốt bụng? Để mọi người nhớ nhiều hơn, khứa sâu vào tim can hơn... căm giận cái nhân vật khốn nạn đó, sao người với người mà quá dã tâm.

Hôm nay, tôi cũng xin mạo muội nói đôi dòng chữ này. Không phải là phân biệt hay kỳ thị vùng miền, nhưng sự thật đôi khi cũng cần phải nói ra... Có câu "luật vua thua lệ làng", nếu quý vị rời xa quê quán - vùng miền của mình để đến vùng khác sống thì hãy thay đổi bản thân mình cho phù hợp, không bị lạc ra khỏi cộng đồng xã hội.

Những người làm "văn hóa" phải nghiên cứu về lịch sử, văn hóa một cách nghiêm túc, vì tác phẩm quý vị tạo ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, đến suy nghĩ của lớp trẻ. Sự tuyên truyền sai dễ dẫn đến phản cảm, lệch lạc - sự bơm vào não những thứ không có thật thì quá kệch cỡm, khó chấp nhận.

Văn học, thơ ca, kịch nghệ, phim ảnh... mà người viết, người tạo ra sản phẩm nghệ thuật phải nghiên cứu từng câu từ, chữ nghĩa, âm điệu... Tuy rằng những cái rất nhỏ nhưng phải đúng, cho nồi cơm bớt sạn - canh bớt sâu thì bữa ăn mới ngon miệng... Đặc biệt lịch sử hay văn hóa vùng miền đòi hỏi phải luôn chú trọng, vì bạn làm sai sẽ mắc lỗi với dân tộc, với vùng miền, với cộng đồng, với chính trang lịch sử.

Sài Gòn 23/09/2019
Đinh Thanh Hải
.
Những trang của Đinh Thanh Hải:

Nhận xét

Bài đăng phổ biến