Dòng nhạc Trữ Tình - Bolero mà người Đàng Trong mê đắm

Bom đạn của chiến tranh còn lại ở Khe Sanh - Hướng Hóa - Quảng Trị
.
Tôi sinh ra tại Quảng Trị, khúc ruột miền Trung, trước 1975 thì thuộc Đàng Trong, bên tê cầu Hiền Lương - vĩ tuyến 17 là Đàng Ngoài.

Tôi là người yêu thích dòng nhạc trữ tình nói chung và dòng nhạc Bolero nói riêng, tôi được nghe những dòng nhạc đó từ lúc còn tấm bé, cái lúc mà "nhạc vàng" đã bị cấm, kiểu nghe lén vậy đó, chứ quán cà phê mở nhạc vàng là bị tịch thu băng cassette, thậm chí thu luôn máy với loa đài.
Đàng Trong từ Quảng Trị tới Sài Gòn và các vùng lân cận, theo chế độ VNCH, càng đi vào miền Nam thì con người sống càng thoáng hơn, nhẹ nhàng hơn, sự thuận lợi của tự nhiên, môi trường sống tạo nên tính cách sống đặc trưng, dòng nhạc cũng không ngoại lệ, con người tạo ra những dòng nhạc về tình yêu thương con người, đôi lứa, làng quê... nghe thư giãn chứ không kiểu nghe mà tạo ra sự hận thù, muốn giết chóc, moi gan uống máu quân thù.

Đúng ra tôi không viết bài này làm gì, vì đã viết một lần rồi, bài đó là: "Đôi lời cùng TD về dòng nhạc Bolero", một tay ca sĩ có cha ông quê Quảng Trị, nhưng mất gốc rồi nên quay qua chém dòng nhạc Bolero... Sáng nay, tôi lại thấy bà con quăng lên vụ ông TLA nói: "Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa".

Tôi không hề biết ông TLA là ai? có những bài nhạc nào đã sáng tác? Hôm nay, tôi phải vào hỏi Google thì mới biết ông quê ở Bình Định, tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn, ra vùng giải phóng, các bài hát như: Mừng tuổi mẹ, Đi qua vùng cỏ non, Một đời người một rừng cây, Đêm thành phố đầy sao, Tình đất đỏ miền Đông...

Xin lỗi cùng quý vị, không nói ngoa chứ ngày xưa lúc còn ở quê tôi thích nghe và hát nhạc đỏ, thậm chí được nhồi sọ và quay trở lại căm ghét "ngụy", hóa ra tôi được dạy căm thù chính ông nội tôi, những người lính VNCH ở Đàng Trong đã được ăn cơm Quốc Gia mà giờ con cháu đi bêu rếu, xúc phạm họ, mở miệng ra là ngụy quân ngụy quyền, cha ông tôi là lính ngụy...

Sau này, tôi nhận ra nhiều thứ là bịa đặt, tự thêu dệt, đổ thừa, không thành có, tội ác này kia, ăn "bơ thừa sữa cặn"... thế là tôi dần dà hiểu chân tướng, đồng thời không thích nghe hay hát dòng nhạc đỏ nữa. Riêng dòng nhạc trữ tình hay Bolero thì thấm vào máu mất rồi. Ai nói ngược xuôi, ghép cho từ nhạc sến, nhạc làng, kém sang... thì tôi vẫn cứ khoái nghe với hát.

Sau 1975 rất nhiều thứ tốt đẹp bị xóa và dẹp bỏ, giáo dục vứt hết, sách đốt, nhạc bị cấm. Nhưng càng cấm thì người ta càng tìm hiểu và sử dụng. Như nhạc vàng họ có cấm đằng trời thì dân Đàng Trong vẫn nghe và hát đó thôi, thậm chí bây giờ nhiều người Đàng Ngoài đã mê mẩn luôn rồi, các ca sĩ thay vì diễn tại Sài Gòn thì ra Hà Nội làm live show hoành tráng, cháy vé khi vừa mới tung ra bán. Đàng Trong thì những kênh truyền hình bắt đầu tổ chức "Thần tượng Bolero" - "Giọng ca vàng Bolero"... Có hàng ngàn người đăng ký dự thi cùng tham dự, lượt người theo dõi quá nhiều, các ca sĩ trẻ đã dần lộ diện trên sân khấu, ươm mầm xanh cho dòng nhạc này mãi xanh thắm, mang tiếng hát lời ca bay đi muôn nơi, cống hiến cho hàng triệu người nghe.

Cái gì tốt và hay thì sống mãi với thời gian, nằm lại trong trái tim của thế hệ này qua thế hệ khác, có những bài hát nghe hoài không biết chán, mỗi lúc nghe là một lần cảm xúc mới dâng trào, nghe để làm tâm hồn ta mềm lại, đời nhẹ nhàng hơn, bớt căng não vì đời cơm áo gạo tiền khó nhọc, thư giãn để còn tiếp tục sống và lao động miệt mài.

Các bài hát như là một chuyện tình, một cuộc đời, một số phận, nhưng nhiều khi người nghe lại ngạc nhiên: ủa hình như nhạc sĩ viết bài này dành riêng cho mình thì phải? Sao mà hay quá, thấm quá, thật tuyệt vời

Sài Gòn 14/11/2019
Đinh Thanh Hải
.
Xin đăng lại bài viết năm cũ của tôi:
.
"ĐÔI LỜI CÙNG TD VỀ DÒNG NHẠC BOLERO"

 Bom đạn chiến tranh vẫn nằm trong đất quê hương tôi Quảng Trị - hình internet
.
Khi người ta ghét điều gì đó, thì sẽ cố gắng gán ghép nó với cái gì đó xấu xa, hèn hạ để mọi người cùng hùa theo chém gió, đả kích, soi mói. Như kiểu ghét Tàu thì cái gì xấu cũng của Tàu, trong bánh kẹo ngâm nước ra đỉa, bỏ đỉa vào trứng, mặc áo ngực tàu sinh ra nấm hại vú, trước giờ ta đã không ưa bọn tàu thì đọc lại càng hận hơn, nhưng sự thực đôi khi không phải như vậy, ghét bọn chính quyền chứ dân họ vẫn có tốt xấu như dân ta mà thôi. Tôi có đọc trên mạng chữ Sến là do chữ Sen (Con sen, người giúp việc) cách gọi của người miền bắc. Miền Trung hay miền Nam thì gọi là người giúp việc hay ở đợ. Mà phần lớn họ là những người ít học, trình độ học vấn không cao. Và mỗi khi người ta phán cho ai đó quê mùa hay dòng nhạc Bolero từ Sến là như kiểu chê bai, khinh thị ... Tại sao một dòng nhạc mà nhiều người dân thích như vậy ? lại gọi là Sến ?
Dòng nhạc Bolero nó gần gũi với người dân nghèo, cơ cực... Nhưng đa phần bất cứ tầng lớp nào cũng thuộc và hát được, đàn được. Nhạc cụ thì từ Guitar gỗ, chiếc muỗng, cái nồi làm trống... Lời bài hát thì mọi người ghi chép lại vào những cuốn tập, cuốn sổ và truyền tay nhau. Người ta hát bất cứ lúc nào nếu có hứng, làm ruộng, lên rẫy, tỏ tình, hay đêm buồn cô đơn. Dòng nhạc này làm xoa dịu đi bao trái tim tật nguyền, đau khổ, rớm máu. Trong thời chiến tranh bom đạn, nó như những bài hát níu kéo sự trở về với lương thiện, thôi bắn giết, chém nhau, máu chảy đầu rơi, tay chân lìa khỏi cơ thể, muốn người lính bỏ súng để trở về với quê hương, gia đình, vợ con. Thế là những dòng nhạc này bị CẤM hát, cấm xuất hiện trên thông tin đại chúng... Vì không muốn người lính buông súng, giã từ vũ khí.
Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nặng nề của chính trị nhẹ đi, những ca sĩ trẻ bắt đầu hát nhạc Bolero, những giọng hát trẻ đã làm mới cho dòng nhạc này, cho nó sống lại ở ngày hôm nay, những bài hát xưa cũ đã sống lại, tuổi ra đời bài hát có khi gấp mấy lần tuổi của ca sĩ trình bày.
Bolero trường tồn chứng tỏ rằng dòng nhạc này hay, và ca từ thấm đượm, thời gian có thể làm cho đá mòn, nhưng bài hát vẫn trơ trơ.
.
Hình ảnh internet
 .
Hôm nay đọc bài của chị Đạo diễn - Diễn viên Nguyễn Mỹ Khanh viết về phát biểu của ca sĩ Tùng Dương phán dòng nhạc Bolero, chị nói rất hay. Tôi cũng đọc câu của TD như này: "TD "dị ứng" vì ca sĩ trẻ cố hát bolero. Nếu ca sĩ trẻ quá xa đà vào bolero sẽ là một bước tụt lùi của âm nhạc. Dòng nhạc quay lại có tích cực và tiêu cực ... tiêu cực là những giá trị sai lệch của chính bolero".

Ca sĩ TD nói tiếp cùng báo giới: "Tôi vẫn tôn trọng bolero, nhưng thời đại bây giờ không phù hợp nữa. Tôi nghĩ nếu các bạn ca sĩ, nhạc sĩ trẻ quá xa đà vào bolero thì đó sẽ là một bước thụt lùi của âm nhạc và không phát triển được, vì muốn phát triển, chúng ta phải hát những bài hát mới, kể cả bolero chúng ta cũng phải sáng tác mới để phù hợp với thời đại ngày nay chứ không thể hát nhạc cổ mãi. Tôi không lên án nhạc xưa, kể cả những bài nhạc cách mạng thì đều có thể làm mới và hát lại được, còn nếu quá xa đà vào bolero nghĩa là chúng ta đang quá lạm dụng trào lưu này rồi."

Xin nói với ca sĩ TD, lâu nay thực ra tôi không cảm được giọng hát của anh, mặc dù đó là sự "sáng tạo" của anh. Tôi biết anh là quê gốc Quảng Trị và cháu của Nhạc sĩ TH, nhưng nếu anh được đẻ ra và lớn lên ở Quảng Trị thì có lẻ anh không phát ngôn về nhạc Bolero hay ca sĩ trẻ đang hát nhạc Bolero như vậy, vì anh sinh ra ở Bắc Ninh nên anh đâu có hiểu quê Quảng Trị tại sao đa số người dân thích hát, thích nghe nhạc Bolero. Cái miền quê tang thương nhất nước Việt này, nơi hai miền chia cắt bắc nam, nơi bom đạn dội trên đầu người dân vô tội, gia đình tan hoang, điêu tàn đổ nát, người thân chết mất xác dọc đường, trên sông hay núi rừng... nhờ những dòng nhạc bolero đã giúp cho họ vượt qua, mềm lại lòng, và xua đi cái chết chóc, tang thương.

Có một bài hát dòng nhạc trữ tình, mà tôi nghĩ nó phải được đưa vào bài hát kêu gọi Hòa Bình đó là bài "Một mai giã từ vũ khí" của Nhạc sĩ Nhật Ngân, với ca từ quá tuyệt vời, nó như đại diện cho người lính tha thiết cầu mong được buông súng: "Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi / Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao/ Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu/ Với cây đa khóm trúc hàng cau/ Với con đê có chiếc cầu tre/ Ðã bao năm vắng chân anh / Nên trở thành hoang phế rong rêu " Và rồi người lính lại trở lại cuộc sống thường nhật: "Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa / Rồi anh sẽ đón cha mẹ về / Rồi anh sẽ sang thăm nhà em / Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu " May mắn sao họ sống sót trở về, nhưng không quên những người lính, họ nằm xuống để cho hòa bình, tự do: "Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm / Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn / Bạn anh đó đang say ngủ yên / Xin cám ơn ! Xin cám ơn ! Người nằm xuống " Những điều coi bộ mộc mạc, đơn sơ, nhưng thời chiến tranh làm sao đạt được, để rồi bừng tỉnh hóa ra đó là thiên đường mà mình đang mơ ước mà thôi: "Chuông chùa làng xa, chiều lại vang / Bếp ai lên khói ấm tình thương / Bát cơm rau thắm mối tình quê / Có con trâu, có nương dâu /Thiên đường này mơ ước bao lâu."

Chị Nguyễn Mỹ Khanh chia sẻ: " Thiệt tình là Bolero nó không dành cho những ai cao giọng chót vót 9 tầng mây, gào thét ba làng tám xóm là tao đang mất quả trứng non trong bụng con gà mái mẹ, rồi phô giọng bằng bài chửi vần điệu chua cay bới tới 9 đời... Nó dành cho những kẻ lặng lẽ nuốt nỗi đau thương mất mát vào trong, can đảm, chân thành, nhìn trực diện vào nổi đau rồi tự hoá giải nó bằng sự tỉ tê lượng thứ thả theo dòng nước trôi... Vậy nên, xưa, người ta nghe và hát nó, không muốn chiến tranh, không muốn cầm súng, nhất là chỉa vào đầu kia cũng là đồng bào, người ta muốn quay về nhà sống yên bình. Nay, những người trẻ nghe và hát nó, chắc cũng chẳng hung hăng vác súng gươm giáo mác gậy gộc ra đường quyết chiến nhỉ... "

Ca sĩ TD à, mọi thứ đều do người nghe công nhận, sự tồn tại của nó như thế nào chỉ có thời gian mới khẳng định. TD còn trẻ lắm, mới ngoài 30 tuổi đời thôi, chưa là gì hết, con đường phía trước còn dài, hãy phấn đấu, học tập và rèn luyện, để được tồn tại với nghề và sự mến mộ của người thích nghe nhạc. Bạn tồn tại được hay không chính nhờ vào họ, những người thưởng thức âm nhạc, chính họ sẽ "định hướng" cho bạn phải hát dòng nhạc nào.

Sài Gòn 10-03-2016
Đinh Thanh Hải
.
Đôi lời cùng TD về dòng nhạc Bolero: http://www.dinhthanhhai.com/2016/03/oi-loi-cung-tung-duong-ve-dong-nhac.html
Dòng nhạc trữ tình - bolero sống mãi: http://www.dinhthanhhai.com/2019/11/nhacmiennam.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến