Đừng cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người

Thất bại ở đời chính là: "Cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người"
.
Con người Việt đa số có suy nghĩ: "Cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người", khi mới sinh ra thì sống trong môi trường làng quê, tình họ hàng thân tộc. "dây mơ rễ má" bên nội - bên ngoại, không chỉ của bà con bên nội bên ngoại mà còn cả "tứ thân phụ mẫu" khi đã dựng vợ gả chồng, sống chan hòa với xóm giềng, bạn bè thân hữu.

Sự cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người ấy bắt con người sống trong nhiều ràng buộc, sợ mang tiếng xấu thì hệ lụy kéo theo sẽ ảnh hưởng đến ba mẹ, ông bà, chú bác cậu cô dì...
Trước đây, tôi cũng mang tư tưởng "sống làm vừa lòng tất cả mọi người", sợ làm ai đó phiền lòng, buồn phiền, không vừa ý vì ta đã phạm phải lỗi lầm. Sau này thì tôi tập cách sống không quá chú tâm đến ai nghĩ gì, nói gì, nếu ai khen tặng thì ta vui chút xíu và thầm xin cảm ơn, còn nếu có ai chê bai thì sẽ xem lại họ nói vậy đúng hay sai, nếu họ nói đúng thì sửa đổi để hoàn thiện mình. Còn những ai cố vu oan giáng họa thì tôi cũng mặc kệ, không đôi co, nói lời qua tiếng lại chi mệt, vì nếu họ quý mến hay tử tế với ta thì họ đã không bao giờ làm việc tệ hại... 

Ông bà có câu: "Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo", cho nên nói là quyền người ta, mình đâu thể nào bắt họ luôn luôn nói lời hay ý đẹp cho mình, mà đã là con người thì có mặt tốt với xấu đi cùng, nếu tốt hết thì chỉ là bậc thánh, mà xấu hết hóa ra con quỷ à?

Sống mà cứ dành hết tâm trí nghe ngóng, quan sát thái độ người khác rồi ta sẽ đáp lại, chiều lòng họ hay dập cho họ tơi bời xác pháo, thể hiện rằng "đừng ai đụng đến ta, vì ta là vùng cấm, đụng vào là tử ngay"... Cứ sống kiểu như vậy thì đời ta sẽ muôn đời mệt mỏi, mất tự tin, an nhàn cả trong suy nghĩ còn khó khăn thì sao đời đẹp tươi. Hãy sống nhẹ nhàng, bao dung với tất cả mọi thứ, không sân hận hay thù oán ai, bỏ đi suy nghĩ: "10 năm trả thù chưa muộn", tại sao phải ôm mối thù theo bên mình suốt 10 năm và tìm cách trả thù, cả chặng đường đó ta mất đi nhiều điều thú vị mà đáng ra ta được nhận.

Sợ bị giận hờn, tẩy chay không thèm qua lại, sợ người ta phật lòng... thử hỏi quý vị rằng người mà bạn đang cố gắng làm vừa lòng đó, liệu họ có cố gắng làm hài lòng ta hay không?

Cái miệng đời này sẽ rất dễ sợ nếu ta chú tâm nghe, sợ, buồn, giận... kẻ ghét ta sẽ luôn muốn đời ta thảm hại, thế nên mới tuôn ra lời cay độc, mỉa mai, chế giễu... Còn họ nói ra mà ta im lặng, ta cứ vui thú hưởng thụ cuộc đời, thì họ sẽ chán và thôi không nói nữa, những cú đấm đá vào thinh không riết rồi cũng dừng, còn nếu đấm đá mà ta dính đòn rồi phản kháng thì chúng sẽ vui thú làm tới.

Hãy cứ sống một cuộc đời của riêng bạn, luôn đặt gia đình lên trên hết, nếu được hãy cố gắng làm họ vui mà thôi, còn bà con họ hàng hay bạn bè thân quý thì rồi cũng thân ai nấy lo, họ quý mến và dễ thương thì ta gặp gỡ, hỏi han chuyện trò... họ xem thường thì ta cứ việc lánh xa, gạt tên họ ra khỏi cuộc đời này, không một chút vướng bận trong suy nghĩ. Đời này ngắn lắm ai ơi, hãy làm ơn chọn những niềm vui mà tới, đời đẹp hay xấu, thiên đường hay địa ngục đều do chính ta chọn lựa.

"Sông sâu biển thẳm dễ dò, Nào ai lấy thước mà đo lòng người. Lòng người trăm bể ngàn tên, Thẳm sâu vót nhọn vươn lên chực chờ"

Cổ nhân dạy nhiều câu rất hay, nhưng cũng không nhất thiết phải dò lòng người này nọ, xem tướng mà tránh xa kẻ tiểu nhân này kia... như tôi có nói con người có hai mặt tốt xấu, phần con với phần người nằm trong một cơ thể, có lúc cái ác lên ngôi và có lúc cái thiện vuốt ve làm cái ác ẩn náu mà không gieo rắc bạo tàn, hiểm độc. Có kẻ hèn hạ hay tiểu nhân với người này nhưng lại rất tốt với người kia, có thể "hi sinh" tính mạng để bảo vệ người họ quý... Họ bảo vệ thì được khen quân tử, họ đi chém giết một ai đó họ cho là phải loại trừ, thì người bị hạ và gia đình sẽ lên án bọn giang hồ hiểm ác, kẻ xấu xa.

Mấy câu thơ mà tôi đã được đọc ở Huế, tại một quán cơm chay ở đường Trần Quang Khải ghi trên tường, mấy câu đó có rất nhiêu dị bản, nhưng tôi nhớ mãi 4 câu đó vì quá hay: "Trăm năm trước thì ta chưa có. Trăm năm sau có cũng như không. Cuộc đời sắc sắc không không. Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi".

Vâng, trăm năm trước ta chưa hình thành dù chỉ là một hạt cát, một giọt sương. Sau đó ta được sinh ra đời, sống một kiếp làm người với buồn - vui - hạnh phúc - đau khổ - tham - sân - si... có đủ hết. Sinh lão bệnh tử, ta sinh ra rồi cũng phải qua đời, thân xác ta hóa bùn đất, làm tươi tốt cho cây cỏ hay đám côn trùng dưới đất sâu, cũng có thể thiêu đốt xương cốt thành nắm tro tàn... Trăm năm sau ta có cũng như không, tên tuổi cũng lu mờ và tan biến. Nếu ta sống một kiếp ấy mà tốt đẹp, giúp đỡ nhiều số phận con người vượt qua khó khăn gian khổ, một "vĩ nhân" hay anh hùng hào kiệt... thì họa may tên ta còn được người đời nhắc đến và tiếng thơm. Cũng có dạng khác được lưu tên, nhưng tên tuổi đó bị nguyền rủa vì ác độc, gieo chết chóc tang thương lên quá nhiều người... Câu kết "Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi"." vâng, chính vì vậy hãy cứ sống nhẹ nhàng, thanh thản, hưởng trọn niềm vui của đời - của người, nếu làm tốt được thì hãy cố gắng, còn không đừng làm việc xấu xa mà chính tòa án lương tâm ta phán xử, chính lương tâm ta hỗ thẹn.

Lại có một câu rất hay dạy con người sống tốt đẹp: "Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao cho khi ta chết đi rồi, mọi người khóc còn ta thì cười"

Nếu làm được như vậy thì cũng nên làm, còn khó quá thì mặc kệ, không phải bó buộc ta phải làm này, làm kia, đặc biệt chớ nên có suy nghĩ: "Cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người". Vì khi bạn cho đi tất nhiên bạn sẽ mong chờ được đáp lại, nhưng cái đáp lại là sự vô ơn, bạc tình, bạc nghĩa, ăn cháo đá bát... sẽ làm bạn rất đau đớn và buồn phiền tột cùng.

Ngày xưa, tôi luôn tâm niệm với dòng suy nghĩ "Trở về thăm quê là vì người này với người kia, cố làm tất cả vừa lòng, phải đi thăm hỏi từng gia đình, thậm chí gia đình người ta không muốn đón tiếp, cứ nhận lỗi sai về mình và mong được tha thứ...", Còn bây giờ trong suy nghĩ tôi đã khác, khi trở về quê trước tiên là vì Ba Mạ, đó là đấng sinh thành và dưỡng dục tôi, cả một đời này đã hi sinh vì tôi mà làm mọi việc, thậm chí nhận hết phần cay đắng khi con cái làm chuyện sai quấy. Ba Mạ là hai người mà muôn đời không bao giờ bỏ tôi, vì tôi chính là con của Ba Mạ, đã đứt từng khúc ruột mang nặng đẻ đau, chăm sóc từ lúc còn đỏ au cho đến tận bây giờ. Sau Ba Mạ thì tôi mới nghĩ và quan tâm tới những người bà con thân thuộc, bạn bè quý mến... Những ai vui và muốn gặp gỡ thì tôi sẽ đến, còn những ai làm lơ thì tôi chiều, không tới thăm hay kêu réo gặp gỡ - hàn gắn tình thâm. Tôi đã không còn trách khứ sao họ lơ tôi, hờ hững quá vậy?

Chính sự thay đổi trong suy nghĩ ấy đã làm tôi có một đời rất nhẹ nhàng, tươi vui. Thay vì ngày trước về là tổ chức tiệc này kia cho bạn bè - cho người dưng, thì giờ tôi chú trọng cho gia đình trước tiên cái đã, sau đó bà con họ hàng hay bạn bè cù rủ nếu đi được tôi sẽ nhận lời. 

Nghĩ lại ngày tháng năm cũ mà NGỘ: Mang tiếng về quê thăm gia đình mà có ăn được bữa cơm nào cùng Ba Mạ đâu? Vậy thì về quê làm gì? về thăm ai?

December 16, 2019

Nhận xét

Bài đăng phổ biến