Bàn ủi con gà làm tôi nhớ về tuổi thơ

Bàn ủi con gà - một trời kỷ niệm ùa về trong tôi
 .
Bàn ủi con gà, cà mèn (gamelle) là những thứ mà Khe Sanh một thời rất nhiều, nhớ lắm. Trước 1968 Khe Sanh là nơi đóng quân của Mỹ, sau 1975 bà con Triệu Độ "đi kinh tế mới" lên vùng đất tử đầy bom đạn nằm trong đất này, người dân vác cuốc xẻng đi đào xới khắp nơi, phát quang làm nương rẫy, đào hố bom lấy sắt - đồng và thuốc súng... Nhiều người vô tình đào trúng một cái kho nhỏ, hay thùng đạn chứa đầy vật dụng Mỹ còn mới cáu, những đồ dùng nằm lại trên bãi cỏ, bên khe suối hay bìa rừng ở Khe Sanh như: Dao, muỗng, nĩa, zippo, cà mèn, vải dù, mũ cối, bình đông (bình toong)...

Bàn ủi con gà là cả một trời ký ức tuổi thơ, toàn bộ bằng đồng, cái chốt mở của nắp được đúc hình gà trống vừa trang trí vừa cách nhiệt rất tốt, khi bàn ủi đang nóng nhưng cầm vào con gà bình thường, không làm phỏng tay... chắc điểm nhấn là con gà, người Việt gọi luôn là bàn ủi con gà. Chuẩn bị ủi là lấy than củi đốt lửa, sau đó bỏ vào trong lòng bàn ủi... phía gần đế có các lỗ, bụi tro bay ra ở đó và thông khí... ủi một chặp là đem ra ngoài thổi phù phù cho tro bụi bay và than cháy lửa tạo nhiệt.
Mỗi dịp cưới hỏi hay tết thì chạy quanh mượn, nhà này ủi xong đến nhà kia.

Bàn ủi con gà được sản xuất từ Pháp, và con gà chính là gà trống Gaulois (Gô Loa), tuổi ra đời của bàn ủi con gà ấy chắc trên 200 năm. Ban đầu thì đồng toàn khối, sau này chắc để giảm giá thành người ta đúc bằng gang với thiếc, nhôm, sắt... rồi bàn ủi đồng của Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc cũng ra đời... Đến khi bàn ủi điện xuất hiện thì bàn ủi con gà - bàn ủi dùng bằng than củi dần đi vào dĩ vãng, chỉ có những người hoài niệm vẫn lưu giữ, những người sưu tầm đồ cổ xưa tìm mua và lưu giữ.
Ngày trước còn nhỏ ở Khe Sanh, nhà tôi là nơi mà các dì đặt tiệm may trong nhà, dựng quán trong vườn... rứa là lâu lâu mần siêng hay được nhờ là tôi đi quạt than cho dì ủi đồ, thợ may hồi đó toàn dùng bàn ủi than củi này không... khi ủi có tàu lá chuối xanh đặt bên cạnh, lâu lâu cho bàn ủi lướt nhẹ qua nghe tiếng xèo xèo vui tai, bàn ủi lướt qua thì lá chuối sẫm màu lại... xong rồi ủi vài đường trên tấm mền, cho bàn ủi đi trơn tru, rồi yên tâm ủi lên áo quần.

Dì Cương là người đầu tiên mở tiệm may tại nhà tôi, sau đó dì lấy chồng nhà hàng xóm kế bên và chuyển tiệm may qua vườn nhà chồng... kế tiếp là dì Sương con ông Tân - mệ Lan xin mở tiệm may, ta nói quá trời thanh niên tới ngồi trồng cây si, có ngày cả giờ đồng hồ, băn hăn bó hó mà không nói thành lời. Tôi cứ chạy loanh quanh nhiều khi bị cho là phá đám đây mà. Nhờ mấy dì đặt tiệm may trong nhà, nên tôi cũng biết "xe chỉ luồn kim", ngồi lấy vải rẻo và tập may với đạp... mấy lần kim máy may bị gãy ngang và mặt tôi tím dại, sợ bị nạt chơ chi. Bù lại tôi hay giúp gom vải vụn, mài kéo, lấy dầu cho vào những chỗ khớp để bảo dưỡng chồng mòn hay rỉ sét, chạy trơn tru.

Đàng trong gọi là bàn ủi, còn đàng ngoài gọi là bàn là, cho nên mới có mấy câu thơ vui: "Chưa đi chưa biết Đồ sơn, đi rồi mới biết to hơn đồ nhà. Đồ nhà bằng chiếc lá đa, Đồ sơn bằng chiếc bàn là Liên-xô".

Vợ tôi bên chiếc máy may ở Father's House Coffee - Di Linh - Lâm Đồng.
.
Vợ chồng tôi trong một lần đi chơi Đà Lạt và ghé vào Father's House Coffee ở Di Linh.
.
Ủi đồ cũng không phải dễ dàng gì đâu nha, "môn phái" nào cũng cần phải "văn ôn võ luyện"... thì ủi áo quần mới đẹp, ly mới thẳng, chứ nhiều người ủi xong quần tới mấy ly, mặc vô rất kỳ cục.

Tôi như một bác sĩ đa khoa, cái gì cũng biết mà không giỏi thôi, vì chưa đi vào chuyên môn sâu, tôi còn học sinh thì đã vẽ báo tường kiếm tiền, cô thầy hay học sinh tới thuê Ba tôi vẽ, là tôi phụ họa... rồi vẽ chân dung các vị "cách mạng" ở Tây với Ta đủ hết, ban đầu phải chia ô vuông ra để vẽ phóng to, sau ni quen rồi thì khỏi... trời cho nhà tui năng khiếu hội họa mà, tranh Ba tôi vẽ đang hay ho, tay ngứa nên cũng cầm cọ lên phá. À khoe luôn nhiệm vụ của tôi là chuyên đi rửa cọ dính đầy sơn, nhúng dầu và lấy tay làm sạch sơn dính trên đó.

Hồi nớ, tôi có ý định muốn thi vào trường quân đội đồ, lên chỗ quân đội huyện xin hồ sơ, họ thấy tôi là biết ngay con cháu ai, họ cười nói cháu về và chọn thi trường khác đi, chứ lý lịch cháu không thi vô quân đội hay công an được...

Tôi về nhà cự nự: "Ông nội xưa mần cảnh sát, thì cháu ông là con nhà nòi mà, sao không cho thi." Đúng là ngây thơ dễ sợ. Rứa là tui xác cái định sẽ thi vào kiến trúc, chứ thi vô trường học ra mần họa sĩ nghèo quá. Rứa là khi bà con nghe tôi đi thi đại học kiến trúc ai cũng cười, mơ chi cao rứa Đinh Thanh Hải ơi!. Vì nhiều người muốn thi vào trường đại học kiến trúc phải đi học ghê lắm, vô luyện lò vẽ mấy năm trời, tập vẽ tượng thạch cao với tỉnh vật. Còn tôi ở Khe Sanh thì tự mày mò, vẽ bất cứ cái gì tôi thích vẽ, kiếm sách dạy tự học vẽ, xin những hình mà đám lò luyện vẽ để coi mà học cách đánh chì... Nghỉ hè, tôi cũng chạy vô Huế tìm đến lò thầy Đô bên thành nội luyện vẽ, cách vót chì, cách đo kích thước bằng cây chì, cách bố cục, mảng sáng tối, trong tối có sáng, him mắt cho hiện ra khối, nheo mắt đo đo..., Mỗi ngày đạp xe từ bờ Nam qua Thành Nội học, đi mô một tháng thì tự cho mình ở nhà học được, khỏi đi lò vẽ chi tốn tiền. Sự đam mê, rèn luyện, quyết tâm đã giúp một thằng trai núi như tôi thi đậu trường đại học kiến trúc ngay năm đầu, dễ sợ chưa, oai chưa?

Nghề nữa của tôi là cắt tóc, những người mẫu cho tôi luyện tay nghề là ông nội + ông ngoại + các cậu + các nhóc trong xóm... ban đầu cắt mác tóc tùm lum, nhưng thương cháu chăm chỉ nên ai cũng nói kệ đi, cắt răng cũng được. Cắt hoài thành "lên tay" rồi mới ra những cái đầu tóc y như ý muốn, mài dao cạo, tập nhấp kéo, nhấp tông đơ, tập cầm dao cạo sao cho đúng, rồi cách cạo sao hỗng có rách da... hư nhiều mà toàn người thân nguyện hi sinh cho sự nghiệp học của tôi á. Mấy lần ông hay cậu ra cắt tóc, Ba tôi bận đi mô đó, là gọi tôi tới mần đại... tôi mà lấy rái tai chỉ có phê, ngủ mê... Ban đầu cũng đâm tai làm người ta đau điếng chứ không phải ngon lành ngay được. Khoe tiếp nhiệm vụ của tôi là chuyên làm sạch tông đơ, vô dầu cho đồ nghề cắt tóc... Ba tôi chiều chiều thường đi lai rai với bạn bè là tui ôm show một cách tự nguyện, quét dọn tóc tai, chùi kiếng, ôm đồ nghề vô nhà cất.

Từ một tấm hình bàn ủi con gà, cà mèn, mà tôi lại viết ra một hơi dài lê thê như vậy đây. Xin cảm ơn sự chịu đựng của quý vị!

Janurary 07, 2020
Đinh Thanh Hải
.
Bài đăng: http://www.dinhthanhhai.com/2020/01/banui.html
.
Những trang của Đinh Thanh Hải:
Youtube 1: https://www.youtube.com/dinhthanhhai
Facebook: https://www.facebook.com/dinhthanhhaiusa
Fanpage: https://www.facebook.com/dinhthanhhaisg
Minds: https://www.minds.com/dinhthanhhai
Twitter: https://www.twitter.com/dinhthanhhai
Website: https://www.dinhthanhhai.com
Youtube 2: https://www.youtube.com/channel/UC-IzfFNNKWXxD8WXFd4EBxA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến